Giảm 8 bậc trên bảng xếp hạng
Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu ấn bản lần 34 (GFCI 34) vừa được tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc công bố cho thấy TP.HCM đứng thứ 120 trên 121 thành phố xếp hạng. Như vậy, thứ hạng của TP.HCM đã tụt 8 bậc so với năm trước.
Chỉ số GFCI được thực hiện bằng cách tính điểm cho 147 yếu tố đầu vào, được cung cấp bởi các bên thứ ba gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), LHQ và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence.
Trong bảng xếp hạng mới nhất, New York (Mỹ) tiếp tục dẫn đầu. Kế đến lần lượt là London (Anh), Singapore, Hồng Kông, San Francisco và Los Angeles (đều của Mỹ)… Các thứ hạng đầu tiên này hầu như không thay đổi so với năm 2022 dù số điểm của các thành phố tăng khác nhau. Chẳng hạn, London tăng 13 điểm, Singapore tăng 19 điểm nhưng vẫn chưa thể vượt mặt New York dù thành phố này chỉ tăng 3 điểm… Các thành phố tại Đông Nam Á đều có thứ hạng cao hơn nhiều so với TP.HCM như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta.
Trong khi đó, TP.HCM tăng 10 điểm GFCI, lên mức 577. Tuy nhiên, mức độ cải thiện của thành phố đầu tàu kinh tế của VN vẫn chậm hơn nhiều thành phố khác. Chẳng hạn, Kuwait City tăng 57 điểm nên thứ hạng tăng lên 20 bậc; thành phố Liechtenstein – công quốc ở châu Âu tăng 62 điểm và tăng thêm 19 bậc; hay như Bangkok của Thái Lan tăng 14 điểm (nhưng vẫn tụt 15 bậc)…
Các yếu tố xếp hạng được đánh giá chia thành 5 nhóm cạnh tranh lớn như môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phát triển ngành tài chính và danh tiếng. Điểm chung cuộc sẽ quyết định thứ hạng năng lực cạnh tranh ở lĩnh vực trung tâm tài chính của các thành phố. Kết quả này thường được các nhà hoạch định chính sách và đầu tư dùng làm tư liệu tham khảo.
Lý giải thêm về kết quả nói trên, chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển cho rằng trong giai đoạn 5 năm gần đây, kinh tế VN mở nhiều hơn với hai động lực chính là xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tăng trưởng kinh tế. Vì vậy khi kinh tế thế giới khó khăn, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, kinh tế VN đã bị tác động mạnh hơn nhiều nước. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến VN hiện nay cũng chỉ mới hồi phục khoảng 50 – 60% so với trước dịch. Trong khi đó, Thái Lan đã hồi phục được lượng khách quốc tế lên đến khoảng 90%. Chỉ số tài chính vẫn phải gắn liền với việc phát triển kinh tế, thương mại, hạ tầng… Bản thân TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để tăng trở lại nhưng kinh tế nói chung vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Ì ạch đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
TP.HCM đã có ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ cách đây gần 20 năm. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Trung tâm này vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho thành phố làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ thì mới có thể thu hút được các tổ chức tài chính chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó tham gia để phát triển. Xây dựng được trung tâm tài chính thì thành phố mới có thể vượt lên, tạo điểm nhấn khác biệt với nhiều thành phố khác trong nước hay trong khu vực.
TS Đinh Thế Hiển
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Dù vậy, cần xác định mục tiêu, định hướng quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế này phải vượt trội hoặc cạnh tranh được so với những trung tâm tài chính hiện hữu. Để làm được phải có quyết tâm từ trung ương đến thành phố và xác định các trụ cột cụ thể để bắt tay thực hiện.
Tại một cuộc hội thảo vào tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cho biết HFIC được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Đề án đã cơ bản hoàn thành các nội dung và được lãnh đạo thành phố thông qua để trình lên trung ương. Chính phủ đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo đề án để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Ông Hòa nhấn mạnh tính cấp thiết phải hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM bởi thành phố đã trải qua 2 làn sóng đầu tư. Với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba, trong đó kiến tạo hình thành thị trường vốn mà Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là điển hình. Việc sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế sẽ là nền tảng để thu hút đầu tư, tạo cú hích mạnh, đồng bộ cho các ngành cùng phát triển.
Thế nhưng đến nay, đề án vẫn chỉ mới còn đang trong giai đoạn họp bàn và chưa biết khi nào sẽ bắt tay vào thực hiện.
Có thể bắt đầu từ các trung tâm giao dịch hàng hóa
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Trong quá trình phát triển kinh tế của VN lẫn TP.HCM thì việc xây dựng trung tâm tài chính cho cả nước lẫn khu vực là điều cần thiết. Và tất nhiên phải đặt ở TP.HCM – đầu tàu kinh tế, thương mại, dịch vụ và tài chính của cả nước. Để thực hiện được cần phải có đề án cụ thể và được Quốc hội phê duyệt sớm. Đề án này đang gắn với việc xây dựng một tòa nhà lớn như mô hình của Wall Street Center tại Mỹ – là nơi tập trung các công ty tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…
Điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn, tối thiểu phải lên mức khoảng 2 tỉ USD. Dù vậy, chi phí không phải là vấn đề lớn nhất vì có thể áp dụng hình thức đầu tư phối hợp công – tư. Quan trọng nhất vẫn là đề án có được thông qua để bắt tay vào thực hiện hay không? Nếu được thông qua thì trước mắt dù chưa có vốn xây dựng tòa nhà giao dịch trung tâm thì có thể tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm giao dịch vốn… với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư, công ty tài chính.
Làm thế nào để các trung tâm giao dịch tài chính, chứng khoán, hàng hóa ngang hàng với một số nơi trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Sau đó sẽ thực hiện để phát triển, nâng tầm lên cao hơn nữa và thực hiện thành tổ hợp tài chính để cạnh tranh lại được với các quốc gia trong khu vực.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh trung tâm tài chính không phải tập trung vào cơ sở vật chất mà phải tổ chức hoạt động, giao dịch tài chính, vốn, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, sàn giao dịch hàng hóa… Những hoạt động đó đều phải gắn với hoạt động kinh tế chung của thành phố với cả nước và khu vực. Ví dụ, khi diễn ra làn sóng dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn nước ngoài thì một số tổ chức tài chính lớn cũng có xu hướng rút khỏi Hồng Kông. TP.HCM phải tổ chức các hoạt động kết nối giao thương như cảng Cái Mép – Thị Vải như thế nào? Sắp tới là với sân bay Long Thành như thế nào? Thậm chí ngay từ bây giờ, TP.HCM có thể thực hiện sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch trái phiếu đô thị, mua bán nợ…