So với trước đây, TP.HCM đã tăng quy mô đầu tư 7 tuyến metro đến năm 2035 từ 183 km lên 355 km, và tăng thêm hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư.
So với trước đây, TP.HCM đã tăng quy mô đầu tư 7 tuyến metro đến năm 2035 từ 183 km lên 355 km, và tăng thêm hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư.
Chiều 10/12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm thay mặt UBND Thành phố đã trình bày tờ trình về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo tờ trình, đề án metro trước đó đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, trình Ban Thường vụ Thành ủy Thành ủy cho ý kiến thống nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thông qua chủ trương.
HĐND Thành phố đã có ý kiến thống nhất các nội dung cơ bản của đề án để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đã xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và nhận được sự đồng thuận cao.
Bộ Giao thông vận tải sau đó đã tổ chức lấy ý kiến đề án metro tại TP. Hà Nội, TP.HCM của các cơ quan trung ương, các ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành liên quan.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm trình bày tờ trình. Ảnh: Trọng Tín |
Về nội dung đề án, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với chiều dài 183 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 37,20 tỷ USD.
Đến năm 2045, Thành phố làm thêm 168,36 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 351,08 km. Vào năm 2060 sẽ hoàn thành thêm 159 km để hoàn thành toàn bộ mạng lưới metro dài khoảng 510 km.
Ngày 25/11, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thường trực Chính phủ đề án metro tại Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035. Kết luận của Thường trực Chính phủ nêu rõ đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng và ghi nhận, đánh giá cao kết quả, nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội, TP.HCM cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Về mục tiêu, đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia…
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Thành phố đã khẩn trương rà soát cập nhật hoàn thiện đề án với mục tiêu rút ngắn thời gian đầu tư hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch.
Theo đó, Thành phố đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035 với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.
Như vậy, so với trước đây, Thành phố đã tăng quy mô đầu tư giai đoạn đến 2035 từ 183 km lên 355 km, tăng vốn đầu tư thêm hơn 3 tỷ USD.
Đề xuất nhằm rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060. Việc sớm phủ sóng mạng lưới metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, UBND Thành phố đề xuất 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Nguồn: https://baodautu.vn/tphcm-trinh-de-an-10-nam-lam-xong-355-km-duong-metro-thay-vi-183-km-d232131.html