Theo đề án này, thành phố sẽ rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Sài Gòn trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông. Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp trên nền tảng từ các thông tin đề án quản lý ngành, chương trình phát triển du lịch, quản lý nông nghiệp, công nghiệp và các đồ án quy hoạch… đồng bộ các chủ trương, phương án kết nối đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, kết nối giao thông, đề xuất lộ trình phát triển áp dụng vào nghiên cứu vào công tác lập quy hoạch chung thành phố.
Trong đó phối hợp đề xuất với các đơn vị liên quan đảm bảo hành lang pháp lý về quy định quản lý sử dụng để sớm điều chỉnh hoàn thiện phương án xây dựng kè, hạ tầng xanh, giao thông ven sông…
Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ khuyến khích nhà đầu tư ưu tiên triển khai các hạng mục công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên. Hợp tác quốc tế nghiên cứu chiến lược quy hoạch và quản lý phát triển, đề xuất các mô hình hạ tầng xanh sử dụng tại dãy hành lang dọc sông Sài Gòn.
Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị quan triển khai thực hiện và báo cáo tiến độ, chịu trách nhiệm tham mưu cho thành phố cập nhật hoặc điều chỉnh các chủ trương, chương trình kế hoạch thực hiện.
Đồng thời tổng hợp các yêu cầu, kiến nghị báo cáo UBND Thành phố xem xét, chấp thuận tích hợp các nội dung có liên quan của Đề án vào công tác lập đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Giao Sở GTVT phối hợp nghiên cứu, tích hợp các giải pháp kết nối giao thông sắt, thủy, bộ, kết nối giao thông giữa hai bờ và xây dựng giải pháp kè bờ sông, phát triển không gian bến bãi. Giao Sở Du lịch phối hợp đồng bộ, tích hợp các đề xuất khai thác sản phẩm du lịch theo các định hướng, chương trình và kế hoạch đã ban hành.
Được biết sông Sài Gòn với chiều dài lên tới 80km được đánh giá là khu vực tiềm năng khi được quy hoạch phát triển và khai thác đúng mực. Tại một số buổi làm việc gần đây, lãnh đạo TP HCM cũng bày tỏ mong muốn xây dựng tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn từ khu vực trung tâm đến huyện Củ Chi nhằm khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn.
TP HCM xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo.