Dự chương trình có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và đông đảo người dân.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết lịch sử hình thành của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM trong hơn 300 năm qua có dấu ấn đậm nét của những dòng sông. Theo vòng cung của thương cảng Sài Gòn, nhiều công trình được hình thành, phát triển đã trở thành di sản văn hóa, niềm tự hào của người dân phố thị như: Cột cờ Thủ Ngữ, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Bến Nhà Rồng… “Theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển”, ông Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, sông và kênh rạch là một yếu tố đặc trưng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM. Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp lưu dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau. Ông Mãi cũng cho biết chương trình là lời chào của TP.HCM, một đô thị sông nước hiền hòa, và cũng là thông điệp sẵn sàng hợp tác bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển.
“Dòng sông kể chuyện” là chương trình nghệ thuật tái hiện các giai đoạn chính của lịch sử khai phá, hình thành và phát triển gắn với sông Sài Gòn. Chương trình tái hiện sinh hoạt văn hóa, kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM trong hơn 300 năm với 5 chương: Khẩn hoang – Xây thành – Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh – Rực rỡ thành phố bên sông.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên cùng cư dân sinh sống tại TP.HCM, bà con các làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, 30 tàu nhà hàng, du thuyền, thuyền buồm, cano, thuyền gỗ, buýt đường sông, tàu cao tốc… đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố cũng tham gia diễu hành. Chương trình sử dụng những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại như: nghệ thuật chiếu sáng 3D trên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ, hệ thống nhạc nước trên mặt sông, sử dụng hệ thống đèn laser công suất lớn theo từng tiết mục; trình diễn bay trên mặt nước kết hợp trình diễn ánh sáng bằng phương tiện bay không người lái và pháo hoa.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định Lễ hội sông nước đã khai thác các giá trị tài nguyên sông, biển của thành phố, góp phần định vị thương hiệu của thành phố – một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa. Sở Du lịch TP.HCM kỳ vọng lễ hội này sẽ trở thành điểm nhấn đặc trưng của du lịch thành phố. Từ đó, định hướng các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật trên sông trở thành sản phẩm định kỳ phục vụ người dân và du khách.