Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) là đơn vị tham mưu và thí điểm công nghệ mới, từ đó đề xuất triển khai các chính sách công nghiệp quốc gia.
Thông tin được ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM nói tại hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 động lực mới cho phát triển bền vững”, tổ chức sáng 25/4. Mô hình Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 nằm trong thỏa thuận hợp tác mà Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký kết với lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ) hôm 16/1.
Theo đó, TP HCM và WEF sẽ hợp tác thành lập C4IR đặt tại Khu công nghệ cao TP HCM. Đây sẽ là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á sau Malaysia ra đời năm 2023 và thứ 19 của thế giới.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, C4IR cùng với sự đồng hành của thành viên sáng lập là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam sẽ tận dụng những tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu mang lại hỗ trợ, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ trên thế giới.
Ông Hoan cho rằng, hoạt động của C4IR còn phải làm rõ về tổ chức bộ máy, phương thức vận hành, nhân sự, điều kiện hoạt động… Đây sẽ là mô hình có thể lan tỏa phạm vi cả nước, khai thác các thế mạnh mà Việt Nam đang có và tận dụng sự hỗ trợ các tổ chức, chuyên gia, nhà kinh tế trên thế giới, giúp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước.
Lãnh đạo TP HCM cho rằng, C4IR đặt tại Khu công nghệ cao TP HCM rất phù hợp vì nơi đây đã hình thành các hệ sinh thái công nghệ đúng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT….
Ông cho rằng, C4IR tương tác với Khu Công nghệ cao TP HCM sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho thành phố, tạo sức lan tỏa trong vùng Đông Nam bộ và cả nước thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Thi cho biết C4IR sẽ kết nối vào mạng lưới các Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới, phục vụ mục tiêu ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiến tạo ngành công nghiệp mới cho TP HCM và quốc gia.
C4IR là đơn vị trực thuộc UBND TP HCM, vận hành theo cơ chế tự chủ tương tự doanh nghiệp. Tổ chức của C4IR hoạt động với ba trụ cột chính gồm: các khối lãnh đạo, vận hành, hỗ trợ. Về đội ngũ lãnh đạo gồm hội đồng quản lý với đại diện ba bên: Chính phủ, doanh nghiệp và trường viện. Hội đồng này có sự tham gia các doanh nghiệp lớn với vai trò dẫn dắt, triển khai các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Khối vận hành sẽ thực hiện gắn kết các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia nhằm triển khai thí điểm các sản phẩm công nghệ mới đưa vào thị trường. Các doanh nghiệp sáng lập C4IR hay đơn vị có sáng kiến đóng góp cho trung tâm sẽ tham gia với vai trò đầu tư. Cụ thể, khi TP HCM thực hiện Nghị quyết 98 được thí điểm công nghệ máy bay không người lái tại Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm. C4IR sẽ thí điểm cũng như đề xuất chính sách cho công nghệ này và một số lĩnh vực công nghệ mới, xác định lĩnh vực ưu tiên, tìm kiếm các sáng kiến cụ thể và hình thành các phòng lab để triển khai.
Khối hỗ trợ có vai trò xây dựng cộng đồng, triển khai hoạt động chia sẻ tri thức, kết nối các bên liên quan. Đây cũng là đơn vị thực hiện các hỗ trợ tài chính, nhân sự, truyền thông, hợp tác quốc tế… cho C4IR.
Theo ông Thi, đề án về mô hình hoạt động của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn hoàn thiện, cụ thể hóa về lộ trình phát triển, cấu trúc tổ chức… Đề án dự kiến trình UBND TP HCM vào cuối tháng 5. Dự kiến trong tháng 9, C4IR sẽ ra mắt nhân sự kiện Diễn đàn kinh tế TP HCM.
Hà An