Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố sẽ có chính sách đặc biệt, sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.
Chiều 12-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kết quả đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và đại học chia sẻ; tổ chức ký kết tài trợ, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
TP.HCM cần nguồn nhân lực lớn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi ghi nhận những đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục, các bên liên quan và các cá nhân trong thời gian qua cho đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của UBND TP.HCM.
Đồng thời cho biết trong định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, các mục tiêu, trọng tâm, nhiệm vụ đã được xác định rõ, trong đó nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quyết định cho quá trình phát triển đột phá.
Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của UBND TP.HCM là rất quan trọng trong bối cảnh thành phố đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Hiện tại thành phố đang khẩn trương hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính quốc tế đã được Bộ Chính trị thông qua. Trong thời gian gần sắp tới, thành phố cũng đang xây dựng đề án đường sắt đô thị…
“Những công việc lớn này cần nguồn nhân lực lớn trong quá trình thành phố tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, khi công bố kết quả đề án và triển khai ngay với sự phối hợp giữa chính quyền thành phố với các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, nhà tài trợ… chắc chắn quá trình thực hiện sẽ nhanh hơn”, ông Mãi khẳng định.
Cam kết đầu tư xứng đáng cho chương trình
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
“Các trường cần nắm được nhu cầu của thị trường để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, hiện đại. Quá trình đào tạo cần có sự kết hợp với doanh nghiệp, nhưng cần đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm tại các trường hoặc tại doanh nghiệp.
Chương trình, giảng viên, cơ sở vật chất là những vấn đề thành phố và các cơ sở đào tạo sẽ phối hợp trong thời gian tới. Cần chú trọng vấn đề ngoại ngữ của cả giảng viên và sinh viên tham gia chương trình này; sự hiểu biết về pháp lý quốc tế; kiến thức và kỹ năng về kinh doanh. Như thế thì nguồn nhân lực mới có chất lượng. Tôi mong muốn các cơ sở trường xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo hướng này”, ông Mãi nói.
Đối với các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ để nhận được đặt hàng từ thị trường để thiết kế chương trình cho sát. Đồng thời cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Mãi khẳng định: “Thành phố cam kết đầu tư xứng đáng cho chương trình. Các trường cần kinh phí đào tạo giảng viên, mua các chương trình đào tạo quốc tế tiên tiến; các trường, doanh nghiệp cần đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ nhu cầu đào tạo thì thành phố sẽ cùng tham gia.
Thành phố sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi thấy cần nghiên cứu một số chính sách cho giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp để các bên có thể tham gia chương trình một cách thuận lợi. Thành phố sẽ phối hợp với các bên liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian tới”.
Công bố kết quả 4 đề án thành phần đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành
Đến nay, đã có 6/9 đề án thành phần được nghiệm thu; 2/9 đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1/9 đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.
Hội nghị này là sự kiện quan trọng của thành phố, công bố rằng đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đã được xây dựng thành công và triển khai vào thực tế, nhằm đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành, về tổ chức thí điểm đào tạo các ngành: công nghệ thông tin – truyền thông; trí tuệ nhân tạo; tài chính – ngân hàng; quản lý đô thị.
Tại đây, các đơn vị đã ký biên bản bàn giao kết quả nghiên cứu các đề án thành phần giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM; ký biên bản bàn giao giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo và ký kết tài trợ, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-se-co-chinh-sach-dac-biet-thuc-day-dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-20241212171415575.htm