Đáng chú ý, có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Một số tour đường thủy du khách có thể trải nghiệm với mức giá trên 2 triệu đồng như: tour địa đạo Củ Chi 1 ngày bằng tàu ca nô cao tốc khởi hành thường kỳ vào 7 giờ 15 phút và 11 giờ mỗi ngày từ Bến Bạch Đằng (2,1 triệu đồng), tour du lịch Cần Giờ 1 ngày bằng tàu ca nô cao tốc khởi hành 8 giờ 15 phút mỗi ngày từ Bến Bạch Đằng (2,7 triệu đồng), tour TP.HCM – Bình Dương – Củ Chi khởi hành từ Bến Bạch Đằng – Bến Tiamo – Củ Chi Tunnel (2,7 triệu đồng), tour ngược sông Sài Gòn (2,5 triệu đồng), tour thưởng ngoạn vẻ đẹp trên sông Sài Gòn trong 30 phút (từ 2,9 triệu đồng nhóm 10 khách)…
Bên cạnh đó, một số tour có giá “mềm” hơn như: tour ngắm hoàng hôn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khởi hành 17 giờ hằng ngày giá 250.000 đồng, tuyến giao thông thủy Q.7 – Nhà Bè giá 700.000 đồng…
Như vậy, tổng cộng TP.HCM đang có 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của 18 doanh nghiệp du lịch kinh doanh dịch vụ vận chuyển phương tiện thủy. Tại Q.7, bến tàu thủy Ngôi Sao Việt được định hướng là khu vực bến trung tâm. Từ đó, các tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến này như tuyến thủy nội đô, tuyến về Nhà Bè, tuyến về Cần Giuộc, Cần Giờ, tuyến kết nối với Đồng Nai qua tour golf rất thuận tiện khi di chuyển bằng ca nô cao tốc mất khoảng 25 phút.
Phấn đấu tạo sự khác biệt
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch TP.HCM năm 2023 với chủ đề “Xanh trên mỗi hành trình”, UBND Q.7 đã giới thiệu tour đường thủy “khám phá đô thị mới bên dòng kênh xanh” khởi hành từ bến tàu Ngôi Sao Việt. Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó chủ tịch UBND Q.7 nhận xét, đây là sự kiện đánh dấu đột phá trong việc tạo ra sản phẩm du lịch đường thủy mới có sự hấp dẫn, độc đáo, có tính cạnh tranh.
Trong buổi tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025 mới đây, đại diện Công ty TNHH Les Rives cũng thông tin, doanh nghiệp có 14 ca nô và 3 tàu lớn và ghi nhận nhiều khách quay trở lại sử dụng dịch vụ trong năm 2023.
Dù vậy, doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn khi quy trình đăng kiểm tàu và thời gian xét đăng kiểm kéo dài, số lượng thuyền viên yêu cầu trên mỗi phương tiện là quá nhiều, thủ tục cảng vụ xuất lệnh đi và về cũng gặp khó, cũng như quy định yêu cầu phao chuẩn, cầu phao được cấp phép… Điển hình như đường tour Long An, công ty đang đưa khách đến đã buộc phải đóng sản phẩm vì không có cầu phao theo đúng quy định.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, các sở, ngành đã phối hợp khảo sát các bến thủy nội địa, xác định bến nào có tiềm năng du lịch để nâng cấp, thu hút du khách.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu và sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong sự phát triển quy hoạch chung của TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành Du lịch TP phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt với tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.