Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP HCM vào chiều 21/11, ông Nguyễn Đức Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM cho biết, đội ngũ kỹ sư, chuyên viên của Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM (thuộc UBND TP HCM) phối hợp các đơn vị liên quan đã phát triển ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh” (App Công dân số), vừa ra mắt vào tháng 11/2024.
Nền tảng số này là một ứng dụng di động thông minh, với chức năng là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền TP HCM và người dân bằng tương tác một chạm dễ dàng, thuận tiện.
Thông qua App Công dân số, người dân và doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, kiến nghị về các vấn đề phát sinh trong đời sống và hiến kế xây dựng phát triển thành phố…
App cũng giúp phụ huynh, học sinh, người dân có thể tra cứu thông tin trường học, địa chỉ chi tiết của trường học. Ngoài ra, giúp tra cứu thông tin về các cơ sở khám chữa bệnh; thông tin liên quan đến du lịch, dịch vụ;…
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM, người dân có thể nắm bắt kết quả các cơ quan chức năng của TP HCM giải quyết sự việc, sự vụ mà mình phản ánh qua App Công dân số một cách trực tiếp, nhanh nhất có thể. Ngoài ra, người dân cũng có thể tra cứu thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính ở tất cả lĩnh vực.
Bên cạnh App công dân số, tại buổi họp báo, ông Trần Minh Tuấn – Phó Trưởng Phòng Phòng Bưu chính viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông TP HCM cho biết, thời gian qua thành phố đã triển khai hiệu quả mô hình Cổng thông tin 1022, là kênh tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân trên nhiều lĩnh vực.
Chỉ tính từ ngày 1/1/2024 đến nay, Cổng Thông tin 1022 đã tiếp nhận gần 64.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức. Đáng chú ý, các lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, chiếu sáng, điện lực, viễn thông nhận được phản ánh nhiều nhất, với tỉ lệ 31%. Kế đến là các phản ánh, kiến nghị của người dân về tiếng ồn đô thị (18%); trật tự đô thị (11%); tra cứu thông tin xe buýt (10%) và thủ tục hành chính (30%).
Cũng theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị đúng hạn có tỉ lệ rất cao, đạt 99,5%. Nhiều sự cố hạ tầng phức tạp, cũng được thông tin đến người dân kịp thời, đồng thời Sở ban ngành liên quan lên kế hoạch khắc phục, xử lý triệt để.
Các mô hình hệ thống số đã và đang trở thành “cánh tay nối dài” để lãnh đạo chính quyền TP HCM theo dõi tình hình xử lý phản ánh kiến nghị. Từ đó, có chỉ đạo kịp thời để giải quyết trực tiếp, quyết liệt và đúng hẹn với các hồ sơ thủ tục hành chính và góp ý của người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tp-hcm-phat-trien-them-kenh-tuong-tac-so-giua-nguoi-dan-voi-chinh-quyen-10294966.html