Sở Y tế, Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM phối hợp thí điểm mô hình trường – trạm về nha học đường tại quận 1, quận 5, quận 6 và huyện Cần Giờ, trước khi triển khai rộng toàn thành phố.
Theo đó, các tổ nha lưu động gồm các nhân viên trường học, trạm y tế, trung tâm y tế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM hoặc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM. Những tổ này sẽ khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng 2 lần mỗi năm tất cả các học sinh đang học tại 7 trường tiểu học (Trần Hưng Đạo quận 1, Bàu Sen và Minh Đạo quận 5, Lam Sơn và Nguyễn Huệ quận 6, Cần Thạnh và Cần Thạnh 2 của Cần Giờ).
Khai giảng chương trình đào tạo các học viên ngày 13/4, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh thành phố. Trong bối cảnh ngành y tế đang quyết tâm chuyển đổi số, dữ liệu số về chăm sóc sức khỏe răng miệng của lứa tuổi học đường sẽ góp phần làm phong phú thêm dữ liệu sức khỏe người dân thành phố.
Sau thời gian thí điểm, TP HCM tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt trong năm học tới và những năm tiếp theo. Kết thúc lớp tập huấn, các tổ nha lưu động ố sẽ ra quân khám từ 22/4.
Căn cứ kết quả khám tầm soát bệnh răng miệng, nhân viên y tế trường lập danh sách các học sinh có vấn đề răng miệng cần được điều trị can thiệp tại buổi khám để hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ của trẻ đưa trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Kết quả điều trị bệnh răng miệng của học sinh cũng sẽ được theo dõi thường xuyên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khảo sát sức khỏe răng miệng ở trẻ em Việt Nam vào năm 2019, ghi nhận tỷ lệ 46,5% nhóm 1-9 tuổi bị sâu răng sữa, 28% nhóm trên 5 tuổi bị sâu răng vĩnh viễn. Trong đó, nhiều trường hợp khi răng mới bắt đầu sâu, trẻ không được chủ động điều trị sớm, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, gây nhiều ảnh hưởng sức khỏe.
Lê Phương