Trước đây, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 – 1988), UBND TP.HCM ra quyết định thành lập Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng đặt ở số 5 Tôn Đức Thắng, Q.1. Năm 1990, Bộ VH-TT-DL ra quyết định đổi tên thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Bảo tàng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của đồng bào cả nước.
Năm 2019, UBND TP.HCM phê duyệt dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng có tổng mức đầu tư hơn 275 tỉ đồng, với quy mô công trình gần 2.000 m² bố trí cho diện tích trưng bày, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các chủ đề trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề ngắn hạn, khu vực cho các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động văn hóa khác.
Hiện các chủ đề trưng bày cố định của bảo tàng tập trung ở tầng 3 như: Thời niên thiếu; Từ người thợ đến người lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn và 15 năm tù Côn Đảo. Tầng 4 gồm 2 chủ đề: Một hạt nhân đại đoàn kết dân tộc; Một vị Chủ tịch nước và Phòng tương tác trải nghiệm. Cách thức trưng bày này thể hiện ngôn ngữ riêng, độc đáo, nội dung theo cách nhìn mới, đa chiều, yếu tố con người được làm nổi bật trên nền tảng hệ thống đồ họa hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, giúp khách tham quan không chỉ được xem mà còn tương tác để khám phá lịch sử và tự trải nghiệm…
Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-khanh-thanh-bao-tang-ton-duc-thang-185250103214744897.htm