Phương án hỗ trợ giáo viên
Để thu hút giáo viên dạy các môn mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, tiếng Anh ở bậc tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM đang trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến các quận, huyện, trường tiểu học công lập về một dự thảo chính sách hỗ trợ giáo viên. Dự thảo này nhằm tạo động lực cho công tác tuyển dụng trong những năm đầu tiên, giúp giáo viên ổn định mức lương, đăng ký ứng tuyển làm giáo viên và không bỏ nghề.
Dự thảo nội dung chính sách thu hút giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, tiếng Anh đưa ra phương án hỗ trợ như sau:
Giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu trong năm đầu là 50 triệu đồng/năm, trong đó:
- Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở: 25 triệu đồng/năm;
- Hỗ trợ phương tiện, đi lại: 5 triệu đồng/năm;
- Hỗ trợ khuyến khích động viên: 15 triệu đồng/năm;
- Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu: 5 triệu đồng/năm.
Mức chi hỗ trợ này chỉ thực hiện một lần cho một người khi được tuyển dụng lần đầu. Những lần tham gia tuyển dụng sau ở đơn vị khác sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này.
Giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu trong 2 năm kế tiếp là 40 triệu đồng/năm, trong đó:
- Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở: 20 triệu đồng/năm
- Hỗ trợ phương tiện, đi lại: 5 triệu đồng/năm
- Hỗ trợ khuyến khích động viên: 10 triệu đồng/năm
- Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu: 5 triệu đồng/năm
Mức chi hỗ trợ này chỉ thực hiện một lần cho một người khi được tuyển dụng lần đầu. Những lần tham gia tuyển dụng sau ở đơn vị khác sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này.
Giáo viên đã được tuyển dụng và công tác tại trường từ 3 năm trở lên và giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu sau khi kết thúc mức hỗ trợ trong 3 năm đầu là 30 triệu đồng/năm.
- Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở: 15 triệu đồng/năm
- Hỗ trợ phương tiện, đi lại: 5 triệu đồng/năm
- Hỗ trợ khuyến khích động viên: 5 triệu đồng/năm
- Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu: 5 triệu đồng/năm
Mức hỗ trợ cho giáo viên được thực hiện thành 2 đợt trong năm, được chi trả vào thời điểm cuối tháng 12 và cuối tháng 5 hằng năm; không áp dụng cho giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
Tại sao cần hỗ trợ giáo viên có thâm niên?
Theo Sở GD-ĐT, giải pháp hỗ trợ nói trên không chỉ dành cho giáo viên mới ra trường trong 3 năm đầu mà còn cho cả đội ngũ giáo viên có thâm niên để giáo viên có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến lâu dài và ổn định trong ngành giáo dục.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong 3 năm đầu, giáo viên mới ra trường gặp nhiều khó khăn khi phải làm quen với công việc, lại lo gánh nặng về kinh tế sinh hoạt, dễ dẫn đến chán nản, bỏ việc. Việc hỗ trợ sẽ giúp cho giáo viên mới ra trường có động lực phát huy tài năng, trí tuệ, cố gắng hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là nếu sau 3 năm dừng hỗ trợ cho giáo viên, cũng như giáo viên cũ không có chế độ gì thì sẽ có sự so sánh khập khiễng với giáo viên mới.
Để giáo viên cũ và giáo viên mới ổn định tâm lý, toàn tâm, toàn ý với công việc thì việc đề xuất cho giáo viên thâm niên và giáo viên mới ra trường sau khi kết thúc mức hỗ trợ trong 3 năm đầu sẽ tạo động lực không nhỏ cho toàn thể đội ngũ giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, tiếng Anh tại các trường tiểu học công lập. Điều này đồng thời tạo một sự lan tỏa không nhỏ cho các học sinh, sinh viên khi định hướng nghề nghiệp, tạo nguồn lực lớn để phát triển giáo dục thành phố.
Ngoài ra, nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc chăm lo, phát triển giáo dục là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn cho sinh viên, giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, tiếng Anh tại các trường tiểu học công lập nói riêng và giáo viên thành phố nói chung.
Sở GD-ĐT cũng tính toán và đưa ra dự toán kinh phí hỗ trợ trong một năm đối với những giáo viên thuộc diện trên là 181,8 tỉ đồng/năm từ nguồn ngân sách nhà nước.
Được biết, theo lộ trình, khi hoàn tất dự thảo chính sách thu hút giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, tiếng Anh, Sở GD-ĐT xin ý kiến các sở ban ngành và trình UBND TP.HCM. Sau đó, UBND TP.HCM sẽ trình với HĐND trong các cuộc họp và nếu được thông qua thì HĐND sẽ ban hành nghị quyết thực hiện.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-ho-tro-30-50-trieu-dong-nam-cho-giao-vien-my-thuat-am-nhac-tin-hoc-tieng-anh-185240531120737273.htm