Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện TP.HCM có 2.084.226 học sinh, học viên theo học tại 2.716 cơ sở giáo dục (chưa kể số nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập), trong đó có 1.467 đơn vị công lập và 1.249 đơn vị ngoài công lập với tổng số khoảng 95.000 giáo viên.
TP.HCM có 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó bao gồm 19 trường phổ thông có nhiều cấp học, 2 trường tiểu học và 14 trường mầm non). Hiện TP.HCM có khoảng 170 doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhận định, các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con, em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc làm việc, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Bên cạnh trường phổ thông có yếu tố nước ngoài, các trường ngoài công lập nói chung đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của GD-ĐT.
Việc phát triển các loại hình trường ngoài công lập đã giảm áp lực cho giáo dục thành phố, đặc biệt tại các quận, huyện có dân số cơ học và quá trình đô thị hóa tăng cao, có nhu cầu cao về trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, có những khó khăn khi thực hiện xã hội hóa. Chẳng hạn đánh giá, nhận thức về xã hội hóa ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ, tốc độ xã hội hóa còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển GD-ĐT. Mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và cơ chế hoạt động luôn là sự cản trở cho những người thực hiện.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường công lập cũng chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên. Cơ chế tự chủ nhà trường về tài chính, học phí, tuyển dụng… chưa tạo được động lực lớn để phát triển.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều, mới chủ yếu tập trung ở nội thành, nội thị, nơi đông dân. Mức độ phát triển xã hội hóa còn thấp ở khu vực ngoại thành và vùng xa, vùng khó khăn, dịch vụ còn thiếu so với nhu cầu, chất lượng chuyên môn sâu chưa đạt được như khối công lập; đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu và yếu, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Tâm lý người dân vẫn còn trông chờ vào sự chăm lo của nhà nước, chưa tin tưởng vào chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập.
Công tác quản lý các trường có vốn đầu tư nước ngoài, công tác quản lý các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học còn nhiều bất cập do chưa có đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý.
Thủ tục đầu tư còn phức tạp, bất cập gây khó khăn cho quá trình vận động đầu tư, giới thiệu dự án và đàm phán cụ thể.
Từ đó, TP.HCM có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa trong GD-ĐT. Trong đó xem xét tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm các cơ sở giáo dục; những cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.