Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), trong 10 tháng của năm 2023, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh vốn vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đạt 948 triệu USD, đạt 172,51% kế hoạch của năm, tăng 124 % so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, vốn của nhà đầu tư trong nước đạt 17.955 tỷ đồng (tương đương 764 triệu USD), tăng 174 % so với cùng kỳ năm trước. Có 35 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đăng ký 16.329 tỷ đồng (tương đương 695 triệu USD); 16 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.626 tỷ đồng (tương đương 69,73 triệu USD).
Như vậy, vốn đầu tư nước ngoài rót vào các khu công nghiệp của Thành phố chỉ đạt 184 triệu USD. Đáng nói có 13 dự án được cấp mới, nhưng số vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt gần 61 triệu USD. Còn lại là 23 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 123 triệu USD, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù các số liệu đều ghi nhận sự tăng trưởng, nhưng thực tế cho thấy, TP HCM đang có dấu hiệu gặp khó trong việc phát triển bất động sản công nghiệp để thu hút vốn FDI. Thay vào đó, dòng vốn FDI chủ yếu rót vào các dự án bất động sản và các dự án thương mại, dịch vụ tại Thành phố.
Nguyên nhân được chỉ ra là do TP HCM thiếu quỹ đất lớn để để đón đầu những dự án có vốn “khủng”, đồng thời, giá thuê đất khu công nghiệp tại đây lại cao so hơn với các khu công nghiệp tại các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP HCM mức giá thuê đất Khu công nghiệp dao động từ 140 đến 300 USD/m², Long An có giá thuê từ 125 đến 175 USD/m², Bình Dương từ 100 – 250 USD/m², Đồng Nai từ 100 đến 200 USD/m².
Để giải quyết các khó khăn trước mắt, đặc biệt là về vấn đề quỹ đất, TP HCM đã triển khai đề án “Định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, có 5 khu công nghiệp, khu chế xuất được lựa chọn làm thí điểm và đến giữa năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai ở nhiều khu vực khác.
Đồng thời, Thành phố cũng nỗ lực tìm lời giải cho bài toán quỹ đất hạn chế thông qua phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số đơn vị ở khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung với nhà xưởng 9-10 tầng để phục vụ cho những dự án phù hợp như: công nghệ thông tin, công nghệ cao…
Tuy nhiên, các biện pháp giải quyết khó khăn này vẫn là một hành trình dài hơi và hy vọng gặt hái kết quả trong tương lai. Nhưng trong hiện tại, TP HCM đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… với quỹ đất công nghiệp mới dồi dào đang được đầu tư phát triển.
Đồng thời, các tỉnh thành cũng đưa ra các chiến lược thu hút phát triển bất động sản công nghiệp với các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư, đưa lĩnh vực này trở thành “mũi nhọn” phát triển kinh tế xã hội. Qua đó tạo ra sự chuyển dịch của các dự án low-end (cấp thấp) tới các địa bàn công nghiệp mới để hưởng lợi từ các cơ chế mới này.