Sở Y tế TP.HCM nêu thực trạng thời gian qua đã làm nhiều giải pháp như cải tại cơ sở vật chất TYT, tăng cường bác sĩ và luân phiên bác sĩ xuống TYT, khám chữa bệnh từ xa giữa TYT và tuyến trên… Tuy nhiên, TYT vẫn không thu hút được bệnh nhân do thiếu thuốc thiết yếu, nhất là các thuốc trị bệnh mãn tính.
Thông tư 20 năm 2022 của Bộ Y tế đã đáp ứng 295 thuốc trong số 303 thuốc cần có của các TYT tại TP.HCM. Do đó, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế cho phép TP.HCM thí điểm mở rộng thêm 8 thuốc còn lại (là các thuốc điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chăm sóc sức khỏe tâm thần) sử dụng tại TYT và được thanh toán BHYT.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất thực hiện đấu thầu tập trung cấp địa phương cho danh mục thuốc bổ sung, bao gồm 303 thuốc, thay vì để từng trung tâm y tế quận, huyện thực hiện riêng lẻ. Sở Y tế phân tích, theo quy định tại Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Y tế, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP quyết định bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương các mặt hàng không thuộc danh mục (ban hành theo thông tư này) để sử dụng tại các cơ sở y tế của địa phương trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tỉnh, TP (khoản 3, điều 50 Thông tư 15 năm 2019).
Tuy nhiên, khi lấy ý kiến của các sở ngành thì Sở Tư pháp TP.HCM có yêu cầu phải tuân thủ đúng quy định của Thông tư 15 năm 2020 của Bộ Y tế (ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá). Theo đó, tại khoản 4, điều 2 của Thông tư 15 năm 2020 quy định danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương phải đáp ứng 5 điều kiện.
Thứ nhất, thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Thứ hai, thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành. Thứ ba, thuốc có từ 3 giấy đăng ký lưu hành tại VN theo dạng bào chế, nhà sản xuất. Thứ tư, thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, TP. Thứ năm, thuốc được sử dụng ở nhiều cơ sở, tuyến điều trị tại địa phương.
Đáp ứng theo 5 điều kiện này thì Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương gồm 129 thuốc (không bao gồm 303 thuốc mà Sở Y tế TP.HCM đề xuất bổ sung). Như vậy, giữa khoản 3, điều 50 Thông tư 15 năm 2019 và khoản 4, điều 2 Thông tư 15 năm 2020 của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương khác nhau. Sở Y tế TP.HCM kiến nghị được áp dụng khoản 3, điều 50 Thông tư 15 năm 2019, sẽ giúp cải thiện được tình hình thiếu thuốc tại các TYT, ngoài ra còn thống nhất giá thuốc giữa các trung tâm y tế quận, huyện trên cùng địa bàn. Tất cả nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân đang sinh sống tại địa bàn TP.HCM.