Mô hình tập đoàn đường sắt đô thị sẽ được nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các thành phố trên thế giới có hệ thống đường sắt đô thị phát triển.
Nội dung này được UBND TP.HCM nêu trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về ý kiến phục vụ cuộc họp Thường trực Chính phủ với đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm xây dựng và trình duyệt đề án phát triển công nghiệp đường sắt gắn với công nghiệp phụ trợ. Đề án này sẽ chuẩn bị cho việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, cũng như các tuyến đường sắt khác trong tương lai, cả trong và ngoài nước.
Trường hợp được giao nghiên cứu phát triển công nghiệp đường sắt, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng đề án thành lập tập đoàn đường sắt đô thị.
Mô hình này sẽ được nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở một số thành phố của các nước có hệ thống đường sắt đô thị phát triển trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tập đoàn đường sắt đô thị sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM.
Việc xây dựng đề án lập tập đoàn đường sắt đô thị sẽ triển khai song song với tiến trình chuẩn bị đầu tư các dự án trong đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM đến năm 2035.
Trong đó TP.HCM sẽ nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để tập đoàn đường sắt đô thị được phép huy động vốn, được Nhà nước giao tổ chức thực hiện hoặc tự thực hiện các công tác thiết kế, quản lý dự án, đầu tư xây dựng; vận hành, khai thác. Tập đoàn được phép kinh doanh bất động sản khu vực vùng phụ cận nhà ga và depot theo mô hình TOD, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong lộ trình phát triển, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ từng bước xây dựng tập đoàn đường sắt đô thị ngày càng lớn mạnh, đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Từ đó tập đoàn không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển đường sắt đô thị của TP và vùng lân cận, mà còn mở rộng ra cả nước và tiến tới có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt đô thị
Từ kết luận 49 của Bộ Chính trị, TP.HCM và Hà Nội đã xây dựng đề án metro với những cơ chế đột phá chưa từng có. Tại TP.HCM, cách làm hoàn toàn mới được kỳ vọng sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183km từ nay đến năm 2035. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 871.216 tỉ đồng (khoảng 36,33 tỉ USD).
Theo đề án, TP đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ chuyển giao và làm chủ công nghệ đường sắt đô thị, đạt tỉ lệ nội địa hóa 30-40% đối với các phương tiện, thiết bị và hệ thống thông tin tín hiệu.
Theo nghiên cứu, việc đồng bộ về mặt công nghệ áp dụng cho toàn mạng lưới metro sẽ giúp giảm giá thành ít nhất 30% so với đơn giá các dự án đã làm ở nước ta. Với hạng mục xây dựng dân dụng, bao gồm kết cấu hạ tầng, đường hầm metro, và nhà ga hiện chiếm 70-75% tổng giá trị đầu tư dự án.
Nếu tỉ lệ nội địa đạt 70-80%, giá thành có thể giảm 20-30% so với các dự án hiện tại. Còn khi lắp ráp đầu máy toa xe trong nước đạt tỉ lệ 60% sẽ giúp giảm ít nhất 50% giá thành so với giá nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu và Nhật Bản hiện nay, nếu hợp đồng đặt mua đủ lớn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-de-xuat-lap-tap-doan-duong-sat-do-thi-100-von-nha-nuoc-20241204094626244.htm