Tăng tốc làm nhà ở xã hội
Vừa qua, tại cuộc họp về tiến độ chương trình phát triển nhà ở thành phố, các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở lưu trú cho công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết theo kế hoạch, Thành phố này dự kiến phát triển khoảng 26.200 – 35.000 căn nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà lưu trú cho công nhân).
Theo ông Khiết, hiện nay Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021- 2025, với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ).
Ngoài ra, đơn vị này đang đánh giá lại tiến độ về pháp lý và khả năng thực hiện các dự án NOXH, để xác định cụ thể dự án NOXH nào trọng tâm cần phát triển trong giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030.
Thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã có danh sách cụ thể 37 dự án và mới 1 dự án hoàn thành, 6 dự án đang thi công và 30 dự án đang thực hiện các thủ tục pháp lý.
Đối với nhóm 36 dự án này, Sở Xây dựng dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tối đa 13 dự án 12.000 căn, còn lại thúc đẩy hết cỡ về thủ tục.
Đối với nhà lưu trú công nhân, Sở Xây dựng cho biết toàn thành phố có 2,6 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Hiện trạng quỹ nhà lưu trú công nhân trên địa bàn đã được đầu tư có 34 dự án hoàn thành, tương ứng 6.198 phòng và đáp ứng 40.600 chỗ ở. Hiện thành phố có 6 khu đất xây dựng nhà lưu trú công nhân với diện tích 6,9 ha, tương ứng 4.718 phòng.
Cũng tại cuộc họp trên, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đến năm 2025, thành phố phải thực hiện ít nhất 26.200 căn trong đề án Thủ tướng giao và nhiều nhất là 35.000 căn theo kế hoạch đăng ký của Thành phố này.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Xây dựng làm việc với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện cam kết triển khai các dự án.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Sở Xây dựng rà soát 2 quy trình đất công và đất của nhà đầu tư, nên có quy định về thời gian, thành lập tổ liên ngành, cơ chế, để chuyển động toàn bộ quy trình, rút ngắn thời gian làm thủ tục, thì doanh nghiệp sẽ tham gia. Nếu thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Xây “giấc mơ” an cư
Là một trong những thành phố có đông người nhập cư nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh luôn là tâm điểm về kinh tế, chính trị, xã hội… trong nhiều năm nay mặc dù rất nỗ lực trong công tác phát triển xây dựng NOXH, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ở thực của nhiều người dân.
Anh Phan Trung Hoà (quê Quảng Bình) hiện đang làm việc trong KCN Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 năm xây dựng gia đình và cuộc sống ở đây, do cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên thu nhập không được cao, chi phí ở thành phố đắt đỏ lại nuôi thêm con nhỏ nên kinh tế thắt chặt. Nhiều năm ở trọ chúng tôi cũng mong muốn tìm được căn NOXH để mua và sinh sống, nên khi đọc được thông tin thành phố đang xây dựng nhiều nhà ở và quyết tâm hoàn thành sớm khiến chúng tôi càng thêm hy vọng”.
Cũng làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 6 năm nay, gia đình chị Cao Thu Thuý (quê tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ: “3 năm trước vợ chồng tôi làm thủ tục mua NOXH do công ty tư nhân xây dựng ở Bình Tân, nhưng vì không rõ các thủ tục pháp lý nên hồ sơ nộp vào chậm, kéo dài nên chưa mua được nhà NOXH. Từ đó đến nay, cả nhà tôi vẫn đi thuê trọ để sinh sống, ở thành phố này muốn mua được nhà thực sự là rất khó dù có tiết kiệm đến đâu.
Lương công nhân thì thấp chỉ đủ trang trải cuộc sống, nếu như nhà nước hỗ trợ xây dựng NOXH, tạo điều kiện cho mua và trả góp như những chính sách đang thông tin thì đó là điều tuyệt vời và thắp lên hy vọng cho những người xa xứ mưu sinh muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này như chúng tôi”.
Một trường hợp khác là gia đình anh Nguyễn Tuấn Tú (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ trước đây anh làm việc và thuê nhà lưu trú công nhân Sadeco, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) để gia đình sinh sống.
“Ở đây nhiều năm sau khi được tạo điều kiện sinh sống và làm việc, do chi phí thuê nhà thấp điều kiện sinh sống cũng ổn định, sau đó tôi được gia đình hỗ trợ cộng với việc vay thêm ngân hàng nên đã mua được nhà thương mại ở Bình Dương và chuyển về đây sinh sống.
Tôi thấy việc xây dựng nhiều nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất là rất cần thiết bởi vì không những tạo điều kiện về môi trường sống làm việc mà sẽ giúp cho những người như chúng tôi có thêm động lực để cố gắng phấn đấu mua nhà, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn” anh Tú chia sẻ.
Có thể thấy, thành phố Hồ Chí Minh là một địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất trên cả nước và nơi đây tập trung số lượng người nhập cư, người lao động rất đông để làm việc và sinh sống. Nhu cầu về nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh gia tăng rất cao.
Để người lao động gắn bó lâu dài khi chọn thành phố Hồ Chí Minh làm quê hương thứ 2, bên cạnh chăm lo tốt về an sinh xã hội, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội giúp có nhà để “an cư lạc nhiệp”, “biến” giấc mơ có nhà ở thành hiện thực, đã được các cấp chính quyền thành phố quan tâm.
Với sự nỗ lực và những chính sách đang được đưa ra hiện nay, kỳ vọng rằng thành phố Hồ Chí Minh sẽ “chắp cánh” cho “giấc mơ” an cư lập nghiệp của người dân, người lao động trong thời gian tới.