Ngày 28.2, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo).
Theo dự thảo, TP.HCM xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế. Cụ thể, kịch bản 1 là phát triển theo xu hướng hiện đại; kịch bản 2 là tháo gỡ hiệu quả các điểm nghẽn, tăng cường công nghiệp hóa, dịch vụ hóa gắn với đổi mới sáng tạo; kịch bản 3 là xây dựng được các động lực tăng trưởng mới mang tính dẫn dắt từ các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tiên tiến.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tương ứng với 3 kịch bản lần lượt là 6,6%; 8,3% và 10,5%. Kịch bản được nhóm tác giả chọn để nêu ra những giả thiết chủ yếu là kịch bản thứ 2. Tuy nhiên, kịch bản này được nhiều chuyên gia nhìn nhận có phần chưa hợp lý.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh, nếu thành phố chỉ chọn tăng trưởng 8,3% là mức kịch bản trung bình thì vùng không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định. “Mức hợp lý với thành phố phải là 9%”, ông Sinh đề xuất.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho rằng: “TPHCM có thể chọn phương án 3 (tăng trưởng trên 10%), thậm chí cao hơn vẫn có thể khả thi”.
Tập trung giải quyết nút thắt
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong xây dựng quy hoạch, trước hết cần đánh giá cụ thể hơn, rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế dẫn đến các điểm nghẽn, nút thắt.
Xác định vai trò, vị thế, sứ mệnh mới của TP.HCM trong vùng kinh tế Đông Nam bộ, ĐBSCL cũng như trong cả nước, kể cả trong khu vực và quốc tế. Từ đó, xác định các trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên phát triển của thành phố, có giải pháp cho phù hợp.
Các giải pháp đột phá cần tập trung giải quyết những vấn đề nút thắt, điểm nghẽn gồm: giải quyết ùn tắc giao thông, chống ngập úng, tập trung phát triển công nghiệp.
“Nếu 3 vấn đề này không giải quyết sớm thì TP.HCM không trở thành trung tâm này, trung tâm kia được…, sẽ tốn kém, mất rất nhiều công sức và tiền của”, ông Dũng nói.
Người đứng đầu ngành KH-ĐT cho rằng, TP.HCM phải phát triển đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa; là thành phố kết nối toàn cầu ngang tầm thành phố của các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Cần tiếp tục bám sát các nghị quyết của T.Ư, các quy hoạch ngành, quốc gia; định hướng của quy hoạch vùng, nhiệm vụ của quy hoạch thành phố, từ đó đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo các xu hướng phát triển mới như: kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…”, ông Dũng gợi mở.
Theo ông Dũng, TP.HCM phải có giải pháp đột phá trong huy động cũng như phân bổ sử dụng các nguồn lực, từ cả ngân sách nhà nước lẫn huy động từ xã hội, các hình thức khác như đối tác công – tư.
Cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ các đường sắt đô thị; phối hợp với Bình Dương, Đồng Nai, Long An tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3, đồng thời nhanh chóng chuẩn bị lập dự án Vành đai 4…
“TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão. Tôi hoàn toàn tin tưởng quy hoạch lần này, với những tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn mới và với sự sáng tạo…, chắc chắn TP.HCM sẽ có điều kiện phát triển bứt phá trong thời gian tới, xứng đáng quay trở lại để trở thành Hòn ngọc Viễn Đông”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.