Buổi lễ do Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son có ý nghĩa to lớn đối việc phát triển kinh tế – xã hội khu phía Đông TP HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức phát biểu tại lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và Ba Son.
Lãnh đạo UBND TP HCM đề nghị ngành giao thông vận tải thành phố thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường để hai công trình thực sự trở thành một điểm nhấn hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, luôn là một điểm đến hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài nước.
Từ nay, TP HCM có cầu Ba Son nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố.
Cầu Ba Son kết nối giữa TP Thủ Đức với quận 1, tổng chi phí đầu tư gần 3.100 tỉ đồng. Cầu có chiều dài hơn 1.400 m với 6 làn xe.
Cầu Ba Son nhìn từ cầu Thủ Thiêm.
Cầu thiết kế dây văng với trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Cầu Ba Son được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn
Cầu Thủ Thiêm kết nối khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với quận Bình Thạnh, có tổng chiều dài lên đến 1.250 m gồm 6 làn xe, tổng chi phí đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.
Hai cầu kết nối khu trung tâm hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được đặt tên gắn với địa danh lịch sử.
Ý nghĩa địa danh Thủ Thiêm và Ba Son
Ba Son được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam; đồng thời là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn – TP HCM. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Từ năm 1863 đến 1975, phong trào công nhân tại Ba Son được duy trì và phát triển, công nhân tại đây luôn tỏ rõ tinh thần đấu tranh cách mạng. Nhiều hành động và các cuộc đình công diễn ra mang tính chính trị và ý nghĩa quốc tế. Hàng trăm công nhân Ba Son đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam
Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn, phòng thủ cho khu vực trung tâm. Về sau cả vùng đất này được gọi là Thủ Thiêm với bến đò Thủ Thiêm, Chợ Thủ Thiêm… Tu viện Dòng Mến Thánh giá có từ năm 1840 ở đây mang tên Tu viện Thủ Thiêm; nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở dây vào năm 1859 mang tên Nhà thờ Thủ Thiêm…
Đầu thế kỷ XX, từ “Bến đò Thủ Thiêm” được nhắc đến nhiều nhất trong ca dao với những chuyến dò. Nhà văn Sơn Nam trong biên khảo Bến Nghé – Sài Gòn xưa từng chép câu ca: “Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”. Từ thập niên 60 thế kỷ XX nơi đây có phà Thủ Thiêm hoạt động cho đến năm 2011 thì chấm dứt khi có hầm vượt sông Sài Gòn.