Như vậy, tính trên toàn TP.HCM còn 33.347 hồ sơ tuyển sinh lớp 1 chưa được phụ huynh xác nhận, trong số này có 7.985 hồ sơ tuyển sinh lớp 1 bị thiếu thông tin. Thông tin này được đưa ra sáng nay, 23.6 tại hoạt động bồi dưỡng “Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về ứng dụng công nghệ số trong quản lý nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở cơ sở giáo dục mầm non” do Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Cô Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, cho biết sự kiện sáng nay có sự tham gia của đông đảo đại diện các phòng GD-ĐT 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng như đại diện các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn thành phố.
Cô Điệp đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các phụ huynh, các cơ sở giáo dục mầm non trong việc hoàn tất, cập nhật, bổ sung cho đầy đủ hồ sơ tuyển sinh lớp 1. Những trường hợp trẻ còn thiếu mã số định danh cá nhân, hay sai thông tin, cần chỉnh sửa thông tin cần được bổ sung, cập nhật sớm. Làm sao để tất cả các trẻ đến tuổi đến trường được tạo điều kiện tốt nhất vào lớp 1.
Tại buổi bồi dưỡng, cô Vũ Thị Lệ Hằng, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng trình bày bài giảng về những ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ số trong đầy đủ các mặt, từ công tác quản lý, tới các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Và đặc biệt trong giai đoạn tuyển sinh đầu cấp vào mầm non, tuyển sinh lớp 1, việc chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành giáo dục TP.HCM giúp phụ huynh đăng ký thông tin, xác nhận thông tin, tra cứu kết quả dễ dàng trên cổng thông tin điện tử tuyển sinh đầu cấp và hệ thống cũng dễ dàng tổng hợp, phân tích dữ liệu.
Cô Vũ Thị Lệ Hằng cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ số đang cho phép rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non ở TP.HCM được thay thế, làm mới các nội dung, tài nguyên, học liệu trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ bằng các định dạng số, ứng dụng các công nghệ số trong quản lý như phần mềm điểm danh, phần mềm tuyển sinh…
Chuyển đổi số cũng giúp các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường số, hỗ trợ trẻ hoạt động vui chơi, học tập, giao tiếp, kết nối các thiết bị số, số hóa các quy trình tổ chức, quản lý trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Có thể thấy hiện nay nhiều đơn vị có những ứng dụng theo dõi sự phát triển của trẻ, tạo hồ sơ điện tử cho trẻ; tự động xuất báo cáo về việc ăn uống, sinh hoạt, tích hợp dữ liệu đo cân nặng, chiều cao…
Ở bậc cao hơn, nhiều trường mầm non đã chuyển đổi số toàn diện khi áp dụng thực hiện các mô hình hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong môi trường số, xây dựng chuẩn năng lực số cho quá trình phát triển của trẻ, xây dựng cho trẻ ý thức sử dụng thiết bị số, an toàn số, an toàn trong không gian mạng…