Theo đó, tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội của TP HCM, ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến việc bảng giá đất mới. Đây cũng là thông tin tác động đến nhiều đối tượng nên cần bàn thảo, xem xét kĩ lưỡng.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP HCM cho biết, trong số các nội dung triển khai Luật Đất đai sửa đổi, UBND cấp tỉnh được xem xét, sử dụng bảng giá đất cũ hoặc điều chỉnh bảng giá đất nên TP HCM đã có chủ trương điều chỉnh bảng giá đất cũ. Việc điều chỉnh bảng giá đất gồm 7 bước và sở TNMT đã hoàn thành 6 bước, toàn bộ dữ liệu của đơn vị tư vấn thu thập trên toàn địa bàn được cân chỉnh lại và chuyển cho tổ giúp việc của HĐND TP HCM xem xét, thẩm định.
“Chúng ta chưa xây dựng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai. Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Còn bảng giá điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch hiện hành, giá bồi thường đã được phê duyệt, một số giá chuyển biển trên thị trường cho đúng, cho đủ vào bảng giá, đảm bảo bảng giá không quá thấp để không gây thất thoát…”, lãnh đạo Sở TNMT TP HCM nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng ví dụ, có tuyến đường mà trong bảng giá cũ chỉ có 1-2 triệu đồng/m2 đất ở mà giá giao dịch đã 100 – 200 triệu đồng. Do đó, cần cập nhật, cân chỉnh lại để có bảng giá đất phù hợp nhất trong giai đoạn này để sử dụng.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi UBND TP HCM “Đề nghị UBND TPHCM xem xét chưa nên ban hành Bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/8/2024, mà nên tập trung xây dựng ‘Bảng giá đất lần đầu’ áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định của Luật Đất đai 2024”
Theo HoREA, Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”. Tuy nhiên, HoREA nhận thấy việc ban hành Dự thảo Bảng giá đất mới đây chưa thuộc trường hợp cần thiết theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
Trong Dự thảo này, giá đất tại nhiều quận có thể tăng trung bình 5-10 lần. Thậm chí, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại. Mức tăng này sẽ tác động đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, do người sử dụng đất có xu hướng đòi bồi thường cao hơn trước đây.
Khi chi phí đầu vào bị đẩy lên cao hơn sẽ “tác động dây chuyền, làm tăng giá mua, thuê nhà và chi phí thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp…”. HoREA cho rằng, đây là tác động bất lợi đến các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện, cũng như làm tăng giá hàng hóa nói chung.
Do đó, ngoài việc chưa ban hành dự thảo bảng giá đất thời điểm này, HoREA cũng kiến nghị từ nay đến 2025, TP HCM cần đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất lần đầu với người sử dụng đất tại hơn 13.000 thửa chưa được cấp sổ, cũng như với doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu rót vốn vào dự án bất động sản.
Số lượng hồ sơ đất đai ở TP HCM đang tiếp tục tăng mạnh, đến hết tháng 7 đã có 300.000 hồ sơ được ghi nhận. Riêng trong tháng 7, toàn địa bàn TP HCM đã tiếp nhận gần 40.000 hồ sơ đất đai, tăng 10.000 hồ sơ so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các hồ sơ mua bán, thế chấp.
Do hồ sơ nhà đất tăng nên nguồn thu liên quan đất đai của TP HCM đạt hơn 12.000 tỷ đồng trong 7 tháng qua, tăng 3.600 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nguồn: https://www.congluan.vn/tp-hcm-chua-xay-dung-bang-gia-dat-moi-theo-luat-dat-dai-post305895.html