Hành khách hài lòng với buýt điện
Một buổi chiều đầu tháng 8, TP.HCM đổ mưa nặng hạt. Hàng chục người đủ các độ tuổi ngồi cạnh nhau trong nhà chờ tại bến xe buýt Sài Gòn trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Cứ vài phút có một chiếc xe buýt rời bến.
Người dân thoải mái khi đi trên các tuyến buýt điện.
Bà Phan Thị Đáng (64 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết, bà đi từ Tây Ninh lên Vinhomes Grand Park (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) thăm người nhà. Để đến được điểm cuối này, bà phải đi 3 chặng xe buýt từ Trảng Bàng đến Củ Chi rồi vào trung tâm thành phố. Từ đây, bà đón tuyến xe buýt điện đến Vinhomes Grand Park.
“Hai chặng kia tôi đi xe buýt thường, xe cũng tốt nhưng mùi dầu hơi khó chịu, nhiều người đi xa mệt, say xe. Đi buýt điện rộng rãi, dễ chịu hơn”, bà Đáng chia sẻ.
Do thường xuyên lên TP.HCM khám bệnh, bà Đáng phải đi nhiều loại xe buýt khác nhau. Cảm nhận của bà là xe buýt tại TP.HCM đang tốt lên từng ngày, cả chất lượng lẫn thái độ phục vụ. Tuy nhiên, bà mong muốn sẽ có nhiều chặng xe buýt điện được đưa vào phục vụ hành khách hơn nữa.
Tương tự, em Thu Trang (20 tuổi), sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM rất hài lòng với xe buýt điện. “Một ngày đi vài tuyến buýt, em thấy các xe đều mới, sạch sẽ và có máy lạnh. Nhưng đi buýt điện vẫn thích nhất vì êm ru. Nhân viên cũng nhiệt tình, lịch sự. Giá vé dành cho sinh viên chỉ 3.000 đồng/lượt”, Trang nói.
Ghi nhận của PV, hầu hết các tuyến xe buýt điện đều đông hành khách. Mỗi khi hành khách bước lên xe, nhân viên và tài xế đều niềm nở chào khách. Các điểm dừng đều có hệ thống thông báo tự động, ngoài ra, hệ thống còn lưu ý khách hàng để lên xuống xe an toàn.
Đã đầu tư mới phải là xe điện, CNG
Hướng đến mục tiêu phát triển giao thông xanh, TP.HCM đang xây dựng lộ trình chuyển đổi các phương tiện công cộng sử dụng diesel sang xe xanh, trong đó ưu tiên xe điện.
Ông Phạm Vương Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 2.209 xe buýt đang hoạt động. Trong số này, có 546 xe chạy nhiên liệu CNG (chiếm 24,7%) và 18 xe buýt điện.
Từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt cũ nếu thay mới phải là xe chạy nhiên liệu CNG và xe điện. Các tuyến đang sử dụng xe CNG tiếp tục cho phép thay thế xe cùng chủng loại. Từ năm 2025 – 2030, thành phố sẽ mở mới 72 tuyến xe buýt với 1.108 xe. Các xe buýt mới này phải là xe điện.
“Năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh”, ông Bảo khẳng định và cho biết, đã hoàn thiện lộ trình chuyển đổi của xe buýt để xin ý kiến các sở, ngành và trình thành phố trong tháng 9/2024.
TS Lê Văn Nghĩa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, tổng lượng phát thải CO2 của xe buýt diesel và CNG ra môi trường mỗi năm tại TP.HCM lên tới 7.981 tấn. Nếu chuyển toàn bộ xe buýt diesel và CNG sang buýt điện, tổng lượng phát thải chỉ còn 4.077 tấn, giảm đến 48,93%.
Cần cơ chế khuyến khích xã hội hóa
Dù đã có lộ trình cụ thể, song ông Phạm Vương Bảo cũng cho biết, việc triển khai sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện thành phố chỉ có duy nhất một trạm sạc cho xe buýt điện, được Vinbus đầu tư để cho tuyến D4 đang thí điểm. Đồng thời, chỉ có 3 trạm nạp CNG với công suất 180 xe/ngày.
TP.HCM hướng tới xe buýt xanh 100% vào năm 2030.
Trong khi đó, chi phí đầu tư, vận hành xe điện cao hơn 13% so với với xe diesel. Chi phí đầu tư ban đầu của xe điện cũng cao hơn xe diesel. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ, chưa có quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện nên chưa xác định được phương thức đầu tư (Nhà nước hay xã hội hóa).
Ông Bảo cho biết, Tổ công tác thực hiện đề án đề xuất, TP.HCM cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi thực hiện đầu tư, chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Cụ thể, hỗ trợ về lãi suất vay, cố định 3%/năm cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị; miễn lệ phí trước bạ, phí đường bộ, cầu đường… đối với với xe buýt điện, năng lượng sạch.
Tổ công tác cũng đề xuất chủ trương xây dựng, lắp đặt các trạm sạc điện, trạm tiếp nạp nhiên liệu. Chẳng hạn có thể lắp đặt tại các bến xe như quận 8, An Sương, Ngã Tư Ga, Bến xe miền Tây, miền Đông mới. Trước mắt có thể kêu gọi các đơn vị Nhà nước đầu tư để xây dựng hệ thống cơ bản, về sau nếu có quy hoạch bài bản, có thể huy động xã hội hóa.
Xem xét thí điểm ở Cần Giờ
Đến nay, UBND TP.HCM đã có chủ trương tổ chức xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng (xe buýt công cộng, xe taxi, xe mô tô công nghệ) sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn; trình HĐND TP thông qua chính sách tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2024.
Giai đoạn 2, xem xét phương án lựa chọn huyện Cần Giờ là một trong các đơn vị ưu tiên thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện. Thời gian hoàn thành trong quý II/2025.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-chot-lo-trinh-dau-tu-xe-buyt-dien-19224083009401151.htm