Ban Chỉ huy Quân sự TP. Bến Tre tham mưu tổ chức thành công “Tết Quân – dân” năm 2023.
Xây dựng các tiềm lực
Nhằm bảo đảm cho KVPT có sức mạnh tổng hợp ngày càng cao, trong quá trình xây dựng tiềm lực của KVPT, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP. Bến Tre chú trọng tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng toàn diện các tiềm lực trong KVPT: tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng – an ninh… Trong đó, xác định xây dựng tiềm lực quốc phòng – an ninh giữ vai trò cốt lõi với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) trong KVPT; xây dựng và thực hiện kế hoạch huấn luyện, diễn tập, kế hoạch bảo đảm trang bị, hậu cần – kỹ thuật cho LLVT hoạt động thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; quy hoạch xây dựng thế trận quân sự, xây dựng và bảo vệ các công trình quốc phòng – an ninh, công trình quân sự trong KVPT.
Theo Thượng tá Phạm Minh Châu – Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP. Bến Tre: Đạt được kết quả trên là do Đảng ủy, Ban CHQS thành phố thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quân sự. Tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT nói chung, xây dựng thế trận quân sự nói riêng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Quốc phòng, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản, hướng dẫn của Quân khu 9 và của tỉnh về xây dựng KVPT. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phong phú, đa dạng, bám sát nhiệm vụ và thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng tiềm lực quân sự. Đây là giải pháp cơ bản để Ban CHQS TP. Bến Tre cũng như LLVT có cơ sở đánh giá và triển khai xây dựng các công trình quân sự KVPT phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh.
“Xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra thời cơ và thách thức, sự cạnh tranh gay gắt trên tất cả các lĩnh vực. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội; trong đó, nhiệm vụ tập trung xây dựng KVPT tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, bảo đảm “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”.
Theo Thượng tá Phạm Minh Châu, để tiếp tục xây dựng KVPT về chiều sâu, thực chất là xây dựng các tiềm lực, các cấp, ngành, địa phương chú trọng quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng KVPT, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tập trung xây dựng các công trình quân sự bảo đảm vững chắc, có chiều sâu, phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, cần tập trung xây dựng các công trình vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, vừa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế biển, như: đầu tư, nâng cấp hệ thống cụm điểm tựa, trận địa chiến đấu, trước là phục vụ dân sinh, sau là bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến KVPT. Đặc biệt cần xem việc xây dựng thế trận quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, mang tính đặc trưng của KVPT, đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, trong đó, LLVT đóng vai trò nòng cốt.
Bài, ảnh: Đặng Thạch