Nhật BảnLies Tour là chuyến tham quan mới ra mắt ở Tokyo, nơi du khách biết rõ thông tin hướng dẫn viên cung cấp đều dối trá nhưng vẫn hào hứng tham gia.
Vào một buổi chiều ở quận đông khách du lịch Asakusa của Tokyo, nhóm 16 du khách đứng trên vỉa hè bên ngoài cửa hàng Uniqlo, hướng dẫn viên tay cầm chiếc máy ghi âm rồi chỉ vào cửa hàng nói: “Công ty Minato Shokuhin, nổi tiếng với nước sốt ponzu gừng, từng có trụ sở ở đây”. Sau đó người này ấn nút trên chiếc máy ghi âm để phát ra tiếng “leng keng” – âm thanh được cho là gắn liền với công ty bán nước sốt hiện đã ngừng sản xuất.
Một du khách khoảng 20 tuổi nói trước đây bà của anh cũng từng ngâm nga bài hát về loại nước tương của công ty này. “Sản phẩm từng được thế hệ bà của bạn rất yêu thích”, hướng dẫn viên đồng tình và chuyến tham quan tiếp tục.
Thực tế không có thông tin nào trong những lời nói trên là sự thật. Minato Shokuhin chưa từng tồn tại. Tiếng leng keng không có thật, ký ức của du khách 20 tuổi cũng vậy.
Chuyến du lịch trong ngày mà 16 khách đang tham quan có tên gọi Uso no Tusa hay “tour tham quan dối trá”, một sản phẩm du lịch mới nhưng thành công ngoài mong đợi của những tạo ra nó. Tour chủ yếu dẫn khách đi qua khu trung tâm cổ ở Tokyo, dọc theo tuyến đường dài gần 2 km.
Tour tham quan gồm hướng dẫn viên, hình ảnh minh họa và video do AI tạo ra này đã làm dấy lên những lo ngại của nhiều người về một tour du lịch “chỉ nói dối”, khiến du khách hoang mang. Tuy nhiên, phía cung cấp tour trấn an khách tham gia rằng biết được thông tin không chính xác sẽ không cần phải kiểm tra.
“Cha đẻ” của tour nói dối này là Shigenobu Matsuzawa, một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Hầu hết thông tin Matsuzawa cung cấp cho khách trong tour của mình đều không có thật. Anh từng giới thiệu với khách về một cái cây được cho là nguồn cảm hứng để Android sử dụng hình ảnh của nó trong hệ điều hành của mình.
Matsuzawa đã đi xa hơn việc chỉ nói những điều sai sự thật đó là tạo ra một thế giới dối trá song song với thế giới thực tại khi thuyết phục các doanh nhân địa phương đưa ra các tuyên bố hoặc sản phẩm kỳ quặc. Một trong số đó là chiếc bánh quy dính lời nguyền, túi nhựa được bán từ một cửa hàng tiện lợi hư cấu nhằm hút khách.
Đặc biệt hơn, khách mua tour được khuyến khích đưa ra những lời nói dối liên quan đến chủ đề mà hướng dẫn viên đang nói. Một ví dụ là chàng trai 20 tuổi nói rằng thời bà của anh rất yêu thích món nước sốt gừng của Minato.
Uso no Tusa diễn ra lần đầu vào tháng 3. Trong 6 tuần đầu tiên mở tour, hơn 400 khách đã háo hức tham gia. Dự kiến tour sẽ mở bán đến hết tháng 8.
Soma Ito, một blogger du lịch 17 tuổi, từng nghi ngờ tour du lịch dối trá này “chỉ là một lời đồn”. Cậu nói “có cảm giác nhẹ nhõm khi biết tour thực sự bán chạy”. Ito nói thông thường khi đi du lịch du khách chỉ nhớ về những điều đẹp đẽ ở nơi mình ghé thăm. Nhưng tour này mang lại những trải nghiệm khác biệt. “Nó khiến tôi phải nghiêm túc suy nghĩ và chọn lọc thông tin, xem điều nào là giả dối hay chân thật”, Ito nói.
Cha đẻ của tour nói dối bị sốc trước mức độ quan tâm, yêu thích của du khách. Khi được đề nghị lý giải sản phẩm du lịch mới được nhiều người quan tâm, Matsuzawa nói “bản thân có cái nhìn rộng hơn về định nghĩa của lời nói dối”.
Theo anh, phim ảnh và tiểu thuyết trên thế giới đều là hưu cấu, “vì vậy bạn có thể gọi chúng là những điều dối trá”. “Điều đó có nghĩa là rất nhiều thứ mà mọi người yêu thích đều không có thật”, Matsuzawa nói thêm. Bán các tour nói dối nhắc nhở Matsuzawa rằng ranh giới giữa sự thật và dối trá không quá rõ ràng vì trên thực tế các truyền thuyết ở mỗi địa phương cũng đều không có thật. Nó tồn tại dựa trên những thứ không tồn tại.
Ngoài các tour nói dối, công ty của Matsuzawa cũng điều hành các tour nói thật, là các tour du lịch thông thường.
Anh Minh (Theo SCMP)
Nguồn: https://vnexpress.net/tour-chuyen-noi-doi-hut-khach-o-tokyo-4742458.html