Mô hình 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề theo phương thức liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đang được nhiều trường cao đẳng tại TP.HCM triển khai. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Thời điểm này, học sinh lớp 9 ở nhiều địa phương đang khẩn trương ôn tập, chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông khá căng thẳng bởi tỷ lệ cạnh tranh nhất định.
Thực tế, sau khi học xong Trung học Cơ sở, các em có nhiều hướng học tập, rèn luyện phù hợp chứ không chỉ một con đường duy nhất là vào trường Trung học Phổ thông công lập.
Cân đối trong cơ cấu đào tạo
Hiện nay, học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở được định hướng vào các luồng chính như học tiếp lớp 10 tại trường Trung học Phổ thông công lập hoặc dân lập, học nghề kết hợp học văn hóa ở trường Trung cấp hay Cao đẳng nghề, học Trung học Phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên, hoặc bước vào thị trường lao động.
Việc phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở vào các con đường học tập là hết sức cần thiết đối với mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời tạo cơ hội được học tập và học tập suốt đời cho mỗi cá nhân, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Việc phân luồng này định hướng cho học sinh lựa chọn con đường học tập phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh của của bản thân.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy năm 2023, toàn thành phố có gần 110.000 học sinh lớp 9, trong đó có gần 13.000 học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10.
Với tỷ lệ phân luồng là 70% tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học lớp 10 công lập, dự kiến khoảng 20.000 học sinh trên địa bàn thành phố sẽ không trúng tuyển vào các trường Trung học Phổ thông công lập.
Số học sinh này có thể vào học ở các trường Trung học Phổ thông dân lập, trường trung cấp, cao đẳng nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia, thu hút 45%-50% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp và có ít nhất 60% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên.
Cùng ở khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, tỉnh Bình Dương có gần 29.000 học sinh học xong lớp 9.
Thực hiện công tác phân luồng học sinh, dự kiến 70% số học sinh sau Trung học Cơ sở sẽ vào học tại các trường Trung học Phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023, tỉnh Đồng Tháp công bố không tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông. Song, toàn tỉnh sẽ xét tuyển khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học tại các trường Trung học Phổ thông công lập.
Những học sinh còn lại sẽ học nghề hoặc học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường Trung học Phổ thông có tổ chức dạy theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Như vậy, dù tổ chức kỳ thi hay xét tuyển, mỗi địa phương cũng sẽ có những học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở không vào học tại các trường Trung học Phổ thông công lập mà sẽ được phân luồng để vào học các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Định hướng đúng, giảm áp lực cho học sinh
Đề cập về việc định hướng phân luồng học tập, rèn luyện cho học sinh sau Trung học Cơ sở, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và tâm lý cho rằng giáo viên và phụ huynh nên trao nhiều cơ hội, gợi mở, dành thời gian để các em chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng, ước mơ cho con đường học tập tiếp theo.
Cùng với đó, cha mẹ, thầy cô cần phân tích, tư vấn, góp phần định hướng và động viên con trước kỳ thi, giúp các em giảm áp lực, vững vàng trước những dự định, lựa chọn con đường học tập tiếp theo.
Học sinh trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành tại xưởng hệ thống điều hòa không khí. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Gia đình, nhà trường đều cần tránh việc tạo áp lực cho học sinh xuất phát từ hai thái cực là kỳ vọng quá cao hoặc thiếu tin tưởng ở khả năng, nỗ lực của học sinh trước kỳ thi.
Anh Trần San có con học lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Anh chia sẻ tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh của các trường Trung học Phổ thông công lập, anh không yêu cầu con đăng ký nguyện vọng vào các trường được xem là “có tiếng” mà chỉ phân tích để con quyết định, lựa chọn đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trong khung thời gian Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thông báo.
Anh gợi mở cho con nếu không trúng tuyển vào trường Trung học Phổ thông có thể đăng ký vào học trường nghề, ngành quản trị bếp và ẩm thực mà con tỏ ra rất có năng khiếu.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn đúng về việc định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực của con em mình.
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tình trạng cho rằng phải học hết Trung học Phổ thông, sau đó vào Đại học mới là thành công.
Thực tế, đối với thị trường lao động, mỗi bậc học đều có chức năng và đáp ứng nhu cầu nhất định. Mỗi học sinh cần hiểu rõ khả năng và xác định thành công không đồng nghĩa với chọn bậc học cao, học công lập hay dân lập, tập trung học văn hóa hay chọn con đường học nghề.
Con đường học tập, rèn luyện phù hợp với khả năng mỗi học sinh cộng với những nỗ lực sẽ mang lại thành công trong tương lai./.
Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)