Dạy học cũng phải có chiến thuật
Hơn 100 giáo viên tiếng Anh mới vào nghề và sinh viên mới ra trường với mong muốn bắt đầu sự nghiệp dạy học tiếng Anh đã tham gia buổi workshop “Dạy cách học – tập huấn dành cho giáo viên tiếng Anh ít kinh nghiệm (Teaching How to Learn: Strategies for Early-Career) chiều qua, 6.8, tại The American Center (Q.1, TP.HCM).
Thầy Hoàng Minh Thông, thạc sĩ giáo dục, diễn giả tại buổi workshop, đã đề cập đến thực trạng nhiều giáo viên tiếng Anh và sinh viên mới ra trường dù có bằng tốt nghiệp và chứng chỉ ngoại ngữ đáng nể nhưng vẫn chật vật không biết dạy học viên của mình từ đâu và như thế nào. Là một người đã có 15 năm trong hành trình “trồng người”, thầy Hoàng Minh Thông nhấn mạnh: “Đây là điều hiển nhiên vì việc tìm ra phương pháp để dạy học tiếng Anh một cách hiệu quả là một hành trình không phải ngày một ngày hai mà phải tìm tòi và học hỏi không ngừng”.
Thầy Hoàng Minh Thông đề cao tầm quan trọng về trình độ chuyên môn của người dạy bởi đó là điều kiện cần. Tuy nhiên, điều kiện đủ khiến người học thỏa mãn chính là cách dạy học, giải thích trực quan và dễ hiểu từ giáo viên.
“Đó có thể là những ký hiệu, cách để màu chữ nổi bật những từ khóa cho học sinh nhớ bài hay là những hình ảnh minh họa… Việc dạy học ngày xưa có thể chỉ cần nói bằng miệng nhưng tại sao lại không tận dụng công nghệ hiện đại ngày nay để bài giảng trở nên đặc sắc hơn?”, thầy Hoàng Minh Thông đặt vấn đề.
Thầy Hoàng Minh Thông chia sẻ bước đầu tiên của việc dạy học là phân tích đặc điểm của học viên mình đang giảng dạy. “Dạy học cần phải có chiến lược và chiến thuật vì sẽ có những đối tượng học viên khác nhau với những mục tiêu khác nhau. Không thể dạy học trẻ em như cách dạy với người lớn”, thầy Minh Thông giải thích.
Tiếp theo, thầy Thông chỉ ra những sơ đồ về nguyên lý tiếp thu kiến thức của người học từ những báo cáo nghiên cứu khoa học kết hợp với kinh nghiệm của bản thân. Quá trình tiếp thu kiến thức bắt đầu từ những tín hiệu của các giác quan của người tiếp nhận như “nhìn”, “nghe”, “ngửi”,… đến “bộ nhớ ngắn hạn” (short-term memory). Tuy nhiên, theo thời gian và những tác động từ yếu tố bên ngoài khiến lượng kiến thức bị quên một ít. Để khắc phục, việc tạo ra những hoạt động tương tác như minigame, nhảy múa… sẽ giúp gợi nhớ lại những chi tiết quan trọng xuyên suốt buổi học, giúp tối ưu lượng kiến thức của người học vào “bộ nhớ dài hạn” (long-term memory).
Hoạt động ý nghĩa
Nguyễn Ngọc Tường Lam (trợ giảng tại BRIS – Blue Ridge International School) bắt đầu công việc tổ chức lớp học cho trẻ em được 2 tháng, cho rằng việc tham gia buổi workshop là một quyết định đúng đắn.
“Sau buổi workshop, mình đã được mở mang tầm mắt và tích lũy cho mình những hướng dạy sáng tạo và chuyên nghiệp. Mong rằng sẽ có thêm nhiều sự kiện tương tự giúp gỡ rối băn khoăn cho những người mới bước vào công việc dạy tiếng Anh giống mình”, Tường Lam nói.
Đoàn Minh Huy đã làm trợ giảng tiếng Anh từ năm nhất đại học, hiện đã là giáo viên IETLS tại Trung tâm Hồ Thành, cho biết qua buổi tập huấn này thấy bản thân còn có rất nhiều kỹ năng phải trau dồi. “Đôi khi người có kinh nghiệm dạy học bị sa vào con đường mòn, không còn sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học nữa. Mình cảm thấy bất ngờ trước những chia sẻ bổ ích của thầy Minh Thông và các anh chị, bạn bè đồng nghiệp”, Huy cho hay.
Workshop “Dạy cách học – tập huấn dành cho giáo viên tiếng Anh ít kinh nghiệm”, miễn phí cho người tham gia, được The Learning Puzzle hợp tác cùng The Regional English Language Office (RELO) tổ chức với mong muốn tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc, học tập; cung cấp thêm những kiến thức bổ ích trong việc dạy học tiếng Anh. Dự án The Learning Puzzle do một nhóm 7 giáo viên tiếng Anh khởi xướng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tot-nghiep-dai-hoc-gioi-chung-chi-ngoai-ngu-xin-chua-chac-da-la-giao-vien-gioi-185240807085604679.htm