(Dân trí) – Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An… là những tỉnh xuất hiện nhiều nhất trong top thí sinh dẫn đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Hà Nội chiếm số đông thí sinh đạt điểm cao nhất các khối
Top 200 thí sinh dẫn đầu khối A00 (tổ hợp môn toán, lý, hóa) kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có 27 thí sinh Hà Nội và 27 thí sinh Thanh Hóa. Thái Bình và Bắc Ninh đứng ở vị trí kế tiếp, lần lượt là 23 và 22 thí sinh. TP.HCM, Nghệ An đều có hơn 10 thí sinh.
Top 200 thí sinh dẫn đầu khối A01 (tổ hợp môn toán, lý, tiếng Anh) có 40 thí sinh TPHCM. Bình Dương và Hà Nội cùng có 29 thí sinh. Các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh… đều dưới 10 thí sinh.
TPHCM cũng dẫn đầu số lượng thí sinh điểm cao trong top 200 khối B00 (tổ hợp môn toán, hóa, sinh) với 50 thí sinh. Hà Nội có 20, Thanh Hóa có 16, Thái Bình có 10. Các tỉnh còn lại dưới 10 thí sinh.
Ở khối C00 (tổ hợp môn văn, sử, địa), Bắc Ninh vượt trội với 94 thí sinh đạt từ 29,25 trở lên. Hà Nội và Ninh Bình lần lượt có 34 và 35 thí sinh. Nghệ An có 20 thí sinh. Không có thí sinh nào ở TPHCM lọt tốp này.
Ở khối D01 (tổ hợp môn toán, văn, tiếng Anh), Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu với 59 thí sinh. Hà Nội đứng thứ 2 với 41 thí sinh. Nghệ An có 20, Thanh Hóa có 11.
Như vậy Hà Nội chiếm số đông thí sinh đạt điểm cao trong top 200 ở tất cả các tổ hợp môn truyền thống. Điều này có thể lý giải do hai nguyên nhân chính: một là Hà Nội có chất lượng đào tạo mũi nhọn cao, hai là thí sinh của Hà Nội chiếm 1/10 số thí sinh cả nước.
Tuy nhiên, khi tính điểm trung bình của từng môn thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội chỉ có mặt trong bảng xếp hạng top 10 môn tiếng Anh và vắng mặt ở tất cả các bảng xếp hạng còn lại.
Riêng TPHCM có mặt trong 2 bảng là toán và tiếng Anh.
Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Nam Định là 3 tỉnh thành dẫn đầu về kết quả tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, Nam Định dẫn đầu bảng xếp hạng môn toán với số điểm trung bình là 7,26. Vĩnh Phúc đứng thứ 5 và Ninh Bình đứng thứ 6.
Ninh Bình dẫn đầu bảng xếp hạng môn ngữ văn với điểm trung bình là 8,16. Nam Định đứng thứ 4 và Vĩnh Phúc đứng thứ 9.
Vĩnh Phúc đứng đầu 4 bảng xếp hạng các môn vật lý, lịch sử, giáo dục công dân và địa lý. Trong 4 bảng này, Nam Định, Ninh Bình đều lọt top 10.
Ở 3 bảng xếp hạng môn hóa học, sinh học và tiếng Anh, 3 tỉnh này đều nằm trong top 10.
Vĩnh Phúc cũng đứng vị trí số 1 về điểm trung bình tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT. Vị trí thứ 2 thuộc về Ninh Bình và vị trí thứ 3 thuộc về Nam Định.
Đứng sau 3 tỉnh này là Bình Dương. Trung tâm công nghiệp này chỉ vắng mặt trong bảng xếp hạng top 10 môn ngữ văn.
Trong bảng tổng sắp thứ hạng 63 tỉnh thành theo điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT, TPHCM đứng thứ 20 và Hà Nội đứng thứ 22.
Xét tuyển sớm có tác động đến kết quả thi tốt nghiệp THPT?
Thứ hạng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phần nào phản ánh mức độ quan tâm của học sinh các tỉnh thành đối với kỳ thi này.
Phần đông thí sinh ở các tỉnh vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trong khi đó, thí sinh ở Hà Nội và TPHCM có điều kiện xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức khác.
Phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ thường áp dụng với học sinh trường chuyên. Đại đa số các tỉnh chỉ có 1 trường chuyên, riêng TPHCM có 3 trường chuyên và 4 trường THPT có lớp chuyên, Hà Nội có 6 trường chuyên và 2 trường THPT có lớp chuyên.
Phương thức sử dụng chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT chỉ tập trung ở các khu vực đô thị, nơi thí sinh có điều kiện kinh tế tốt.
Trong khi đó, phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không thuận lợi cho các thí sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa do số chỗ thi hạn chế và số điểm thi ít.
Những yếu tố trên ít nhiều tác động đến việc thí sinh ở “tỉnh lẻ” có kết quả thi tốt nghiệp trung bình cao hơn thí sinh ở thành phố lớn, bởi các em không có nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội cho rằng, nếu xét điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình tại từng trường ở Hà Nội, sẽ thấy một kết quả khác.
Theo ông, đại đa số học sinh trường chuyên tại Hà Nội trúng tuyển đại học bằng xét tuyển sớm. Chỉ một số ít học sinh chọn thi y, dược phải phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Do đó, việc lãnh đạo các trường đại học nhận xét học sinh khi đỗ vào trường chuyên có tâm lý lơ là học tập trong 3 năm cấp 3, chỉ tập trung học môn gì các em muốn học là có cơ sở”, vị hiệu trưởng nói.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với các trường THPT khác tại Hà Nội. Nhiều trường THPT có điểm trung bình thi tốt nghiệp theo từng môn cụ thể rất cao, và cao vượt trội so với các tỉnh thành trong tốp 10 dẫn đầu cả nước.
Dẫn chứng từ trường mình phụ trách, vị này cho biết tỷ lệ học sinh của trường thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực rất đông song các em vẫn đặt mục tiêu cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Những em đạt điểm cao đánh giá tư duy thì đồng thời cũng đạt điểm rất cao kỳ thi tốt nghiệp ở các môn tự nhiên. Vì nội dung ôn tập có sự tương đồng nhất định.
Bên cạnh đó, việc tập trung thi tốt nghiệp kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ sẽ gia tăng cơ hội của các em, đồng thời tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian.
Trong khi đó, phương thức xét tuyển sớm bằng chứng chỉ quốc tế có nhiều biến động, điểm tăng phi mã qua các năm, chi phí tốn kém.
Nếu như không trúng tuyển sớm, các em vẫn phải tập trung ôn thi tốt nghiệp, dẫn tới áp lực kéo dài. Học sinh được tư vấn, định hướng đúng đắn sẽ không đặt cược cho xét tuyển sớm mà lơ là thi tốt nghiệp THPT”, vị hiệu trưởng nói.
Từ thực tế này, vị hiệu trưởng nêu quan điểm, việc xét tuyển sớm chỉ tác động đến chất lượng và kết quả thi tốt nghiệp THPT cục bộ tại một số trường ở Hà Nội, chứ không tác động trên diện rộng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/top-thi-sinh-diem-cao-nhat-ky-thi-tot-nghiep-thpt-o-nhung-tinh-thanh-nao-20241209103108506.htm