Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Sau khi thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cổng thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật thông tin của phiên họp…
14h27: Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Sự quyết liệt của các cấp, các ngành, của người đứng đầu là yếu tố quyết định trong việc giải quyết kiến nghị của người dân
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Đại biểu nêu rõ, việc Quốc hội dành thời lượng nhất định để thảo luận chính thức nội dung này ở nghị trường từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV là một việc rất đúng, rất hợp lòng dân. Điều này một nữa khẳng định Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt đông giám sát của Quốc hội, từng ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết một cách thấu đáo; đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, việc thực hiện những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tốt hay chưa tốt thì yếu tố quyết liệt của các cấp, các ngành, của người đứng đầu là yếu tố quyết định. Đại biểu dẫn chứng cử tri Bình Thuận rất vui mừng khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đầu tư xây dựng đến nay đã chính thức đưa vào hoạt động đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết – Vĩnh Hảo góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng có một số bất cập và cử tri phản ánh như đường gom dân sinh, đường hư hỏng do chuyển vật liệu xây dựng cao tốc. Những kiến nghị trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và gửi đến Bộ Giao thông vận tải xem xét giải quyết. Với trách nhiệm rất cao, cho đến nay những kiến nghị trên đã được xem xét cơ bản giải quyết xong.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, hiện nay Đoàn ĐBQH tỉnh nhận nhiều đơn của các Công ty liên quan đến vấn đề cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết. Vấn đề này cũng đã được đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu bày tỏ mong Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên.
Đồng thời, Bộ Y tế quan tâm đưa nội dung tính lãi cho các doanh nghiệp từ khi mượn hàng hóa, trang thiết bị cho đến nay và cơ chế tài chính cho các địa phương, các cơ sở y tế bị khởi kiện như: án phí và chi phí thi hành các bản án. Nếu được như vậy doanh nghiệp thấy được Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp có lý có tình và các địa phương, các cơ sở y tế cũng dễ triển khai thực hiện, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ.
14h23: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Quan tâm tới hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, đại biểu cho biết, nhiều năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát tối cao nói riêng đã được triển khai vô cùng hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Những chủ đề được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề trọng tâm của việc phát triển kinh tế – xã hội đất nước, là những vấn đề nóng được cử tri và nhân dân đặc biệt chú ý. Kết quả giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, những nút thắt, điểm nghẽn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế…
Đại biểu nhấn mạnh, kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để Quốc hội và Chính phủ kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và đưa ra những kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, đối với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu nhận thấy, có lúc việc lựa chọn vấn đề giám sát tuy rất sâu sắc, đúng nguyện vọng của cử tri nhưng chưa thực sự trúng thời điểm.
Cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2009 đến hết năm 2023 được triển khai giám sát trực tiếp khi Quốc hội vừa thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và một số luật có liên quan. Do đó, khi Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiến hành giám sát đã gặp nhiều khó khăn.
Những vướng mắc, bất cập hầu hết đã được tháo gỡ trong các luật đã được Quốc hội thông qua. Do đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội rất khó trong việc đưa ra kiến nghị để hoàn thiện thể chế. Nếu tiến hành trước thời điểm Quốc hội cho ý kiến và thông qua các luật trên thì những kiến nghị sau giám sát sẽ là cơ sở vững chắc cho việc xem xét, sửa đổi pháp luật.
14h11: Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cử tri cho rằng Chính phủ, Thủ tướng đã tích cực quan tâm giải quyết vấn đề còn tồn đọng, bất cập trong các kiến nghị của cử tri; đặc biệt thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chính phủ đã quy định về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là các cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý và tổ chức thực hiện.
Đại biểu cho biết, cử tri cũng cho rằng sự chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong quá trình, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia. Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển KTXH.
Đại biểu nhấn mạnh, để xử lý chồng chéo giữa quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản với các quy hoạch phát triển KTXH của Việt Nam như: Quy hoạch phát triển KTXH tổng thể quốc gia, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng – liên vùng; quy hoạch vùng tỉnh… thì vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện và sự chủ động trong quản lý và thực hiện quy hoạch để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.
14h03: Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri
Đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, TANDTC, VKSNDTC đã quan tâm xem xét, giải quyết 2.210/2.216 (đạt gần 100%) kiến nghị của cử tri. Điều này cho thấy Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Báo cáo số 832 của UBTVQH cũng thẳng thắn chỉ ra 5 hạn chế. Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ đồng tình với các hạn chế và các kiến nghị của Quốc hội.
Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri có thể thấy rằng, vẫn còn một số tồn tại chưa được chỉ ra như một số cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm đúng mức, chưa tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật, chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, ý nghĩa của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở làm căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, UBTVQH tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình, chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, sáng 20/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo số 832, gồm 37 trang, 11 phụ lục, 373 vấn đề. Tại báo cáo đã nêu tổng số tiếp nhận 2.216 kiến nghị của cử tri, đến nay đã giải quyết, trả lời được 2.210/2.216 kiến nghị, đạt 99,7%. Đây là tỷ lệ giải quyết, trả lời cử tri cao, thể hiện sự tích cực của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo cũng nêu các kết quả giải quyết của từng cơ quan, tổ chức, đánh giá kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tổng hợp, giải quyết kiến nghị cử tri; đưa ra các kiến nghị cụ thể với Chính phủ và bộ ngành Trung ương, nhằm tiếp tục giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong phiên thảo luận hôm nay, ngoài những nội dung do Ban Dân nguyện gợi ý và những vấn đề đại biểu quan tâm, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung sau:
Một là, đối với 12 lĩnh vực được nhiều cử tri cả nước quan tâm kiến nghị đã nêu trong báo cáo, như: nông nghiệp nông dân nông thôn, thực hiện chính sách người có công, lao động việc làm, an sinh xã hội, văn hóa thể thao du lịch, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ công chức, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và thi hành pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng…
Hai là, xung quanh tình hình cử tri kiến nghị còn hạn chế, đó là chưa giải quyết trả lời, hoặc chậm trả lời; trả lời không rõ trách nhiệm…
Ba là, những kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo số 832.
Bốn là, những nội dung khác có liên quan, thông qua tiếp xúc cử tri, làm việc với địa phương, các bộ ngành mà đại biểu Quốc hội tiếp nhận được.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=87008