“Tổng thống Zelensky đã khẳng định với các nhà lãnh đạo NATO rằng ông sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius mà không có những đảm bảo an ninh cụ thể và một lộ trình cho việc gia nhập”, Financial Times đưa tin.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, cho rằng nguyên tắc phòng thủ tập thể mà liên minh này cung cấp cho các nước thành viên là yếu tố cần thiết để đảm bảo an ninh cho Kiev. Điều 5 Hiến chương NATO quy định một cuộc tấn công vũ trang vào một thành viên NATO “sẽ được coi như cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”.
Trong khi những nỗ lực của Ukraine được các nước Bắc Âu và các nước vùng Baltic ủng hộ mạnh mẽ thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất ngày 31/5 rằng Kiev có thể được cung cấp “một điều gì đó nằm giữa đảm bảo an ninh được cung cấp cho Israel và tư cách thành viên đầy đủ”.
Financial Times dẫn nguồn tin từ 4 quan chức giấu tên hồi tháng 4 cho biết Mỹ và Đức đã phản đối việc trao cho Ukraine “mối quan hệ sâu sắc hơn” với NATO”, trong đó có lộ trình gia nhập tương lai.
“Chúng tôi sẽ xem xét các cách thức hỗ trợ những mong muốn trong mối quan hệ châu Âu và Đại Tây Dương của Ukraine nhưng các nhu cầu cấp bách hiện nay thiết thực hơn nên chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraine”, ông Dereck Hogan – quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu cho biết vào tháng trước.
Moscow coi sự mở rộng của NATO về phía Đông là mối đe dọa với an ninh quốc gia và dẫn ra chính sách mở cửa của liên minh này là lý do cho cuộc xung đột ở Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin gần đây nói rằng tình trạng trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện cho hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine./.
Theo VOV.VN