“Giành lại Crimea là con đường duy nhất, không chỉ cho Ukraine mà cho cả thế giới. Tôi chắc chắn như vậy”, Tổng thống Zelensky tuyên bố hôm 7/4.
“Giống như chúng tôi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia từ châu Âu đến Mỹ Latinh, chúng tôi cũng mong muốn có sự tôn trọng đối với toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi: toàn bộ Ukraine, từ Polissia đến bờ Biển Đen và Biển Azov, từ các thành phố phía bắc đến Sevastopol và Kerch. Tất cả các cộng đồng và người dân phía đông và phía nam của chúng tôi đều xứng đáng được sống và sống tự do”, ông Zelensky nói thêm.
Tổng thống Zelensky khẳng định, khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea, hòa bình sẽ trở lại với thế giới vì theo ông, khi đó, Nga sẽ thua cuộc.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.
Gần đây, Andriy Sybiha, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Financial Times rằng Kiev sẵn sàng thảo luận về tương lai của Crimea với Moscow nếu cuộc phản công sắp tới thành công. Quan chức này cũng khẳng định, Ukraine không loại trừ khả năng giành lại Crimea thông qua biện pháp quân sự.
Tuy nhiên, ông Mykhailo Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, tuyên bố: “Nền tảng cho các cuộc đàm phán thực chất với Nga là Moscow phải rút hết quân ra khỏi biên giới Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm bán đảo Crimea”.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho rằng Ukraine nêu triển vọng đàm phán về Crimea nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những thất bại mà Kiev đang phải đối mặt trong các cuộc giao tranh.
“Văn phòng của (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky đã ra tín hiệu về việc sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về Crimea nếu các lực lượng Ukraine có thể tiếp cận biên giới (Crimea) trên chiến trường. Nhưng từ khóa ở đây là “nếu”. Kiev không có sức mạnh cũng như nguồn lực để làm điều đó”, ông Slutsky nói.
Ông Slutsky tuyên bố “tình trạng của Crimea hoàn toàn không phải là vấn đề có thể được đưa ra thảo luận”.
“Đó là một vấn đề đã được quyết định sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 và đã được ghi nhận trong hiến pháp Nga. Bán đảo (Crimea) mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga”, quan chức Nga nhấn mạnh.
Ông Slutsky khẳng định “Nga không từ chối cơ hội giải quyết ngoại giao cuộc xung đột Ukraine”. Tuy nhiên, ông cho biết các cuộc đàm phán chỉ có thể thực hiện được với điều kiện “phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa Ukraine”, đồng thời công nhận “thực tế lãnh thổ đã thay đổi của các khu vực mới sáp nhập vào Nga”.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Zaporizhia, Kherson sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Thực tế, đến nay, Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn 4 khu vực này.
Nga nêu điều kiện nối lại đàm phán với Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 7/4 cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine cũng phải tập trung vào việc tạo ra một “trật tự thế giới mới”. Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra khi ngoại trưởng Nga đang có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia vẫn giữ quan hệ với cả Moscow và Kiev – để hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
“Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần tính đến các lợi ích của Nga, các mối quan tâm của Nga. Việc đàm phán phải tập trung vào các nguyên tắc mà trật tự thế giới mới sẽ dựa trên đó”, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói.
Ông Lavrov tuyên bố Nga không chấp nhận “trật tự thế giới đơn cực do một nước bá chủ lãnh đạo”.
Nga từ lâu tuyên bố nước này đang dẫn đầu cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của Mỹ trên trường quốc tế, đồng thời cho rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine là một phần của cuộc chiến đó.
Điện Kremlin tuần này cho biết Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chiến kéo dài hơn một năm ở Ukraine và không thấy có giải pháp ngoại giao nào.