Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, các nước phương Tây đã đưa ra một loạt biện pháp cấm vận chống lại Moscow, ngăn chặn các ngân hàng Nga thực hiện thanh toán quốc tế và đóng băng tài sản thuộc Nga ở nước ngoài, theo AFP.
Các khoản đầu tư nước ngoài trị giá hơn 16 tỉ USD của công dân Nga hiện đang bị mắc kẹt ở nước ngoài, theo AFP dẫn số liệu từ Điện Kremlin. Đáp lại, Moscow đã khóa một số tài sản của các nhà đầu tư và công ty nước ngoài tại Nga trong cái gọi là tài khoản “Type-C”.
Theo sắc lệnh mới do Tổng thống Putin ký ngày 8.11, người Nga sẽ có thể trao đổi tài sản bị phong tỏa của họ ở nước ngoài với trị giá lên tới 100.000 rúp (khoảng 1.000 USD) với khoản tiền từ các tài khoản Type-C bằng cơ chế tự nguyện.
Chủ sở hữu tài khoản Type-C, trên danh nghĩa là một công ty nước ngoài, sau đó sẽ có tùy chọn nhận cổ phần nước ngoài thuộc sở hữu trước đây của nhà đầu tư Nga ở nước ngoài. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các công ty dịch vụ tài chính Euroclear hoặc Clearstream, nơi xử lý việc trao đổi cổ phiếu, sẽ hợp tác.
Đá quý Nga bị ‘xa lánh’ ở trung tâm kim cương Antwerp
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2.2022, hàng chục công ty phương Tây đã rút khỏi Nga hoặc bán tài sản của họ ở nước này để tránh vi phạm lệnh cấm vận của phương Tây nhắm vào Moscow.
Trong khi đó, Điện Kremlin bị cho là đã gây khó khăn cho các công ty nước ngoài trong việc kiếm tiền từ việc bán hàng của họ và trong một số trường hợp đã chuyển sang nắm quyền kiểm soát hoàn toàn một công ty.
Trong tháng 7, Nga đã nắm quyền kiểm soát những công ty con ở Nga của nhà sản xuất sữa chua Pháp Danone và công ty bia Carlsberg, vài tháng sau khi làm điều tương tự đối với Uniper của Đức và Fortum của Phần Lan, theo AFP.