Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật loạt diễn biến mới cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế về tình hình an ninh, chính trị của Bangladesh sau khi Thủ tướng nước này Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.
Cựu Thủ tướng đồng thời là lãnh đạo phe đối lập chủ chốt Khaleda Zia (trái) và Thủ tướng Bangladesh vừa từ chức Sheikh Hasina. (Nguồn: Navbharat Times) |
Kênh tin tức Al Jazeera cho hay, ngày 5/8, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã ra lệnh trả tự do cho cựu Thủ tướng đồng thời là lãnh đạo phe đối lập chủ chốt Khaleda Zia đang bị bỏ tù, vài giờ sau khi đối thủ “không đội trời chung” của bà là Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.
Bà Khaleda Zia, 78 tuổi, sức khỏe yếu và phải nhập viện sau khi bị kết án 17 năm tù vì tội hối lộ vào năm 2018.
Bộ phận báo chí của Tổng thống ra tuyên bố cho biết, những người tham dự cuộc họp do Tổng thống Shahabuddin chủ trì đã “nhất trí trả tự do ngay lập tức cho Chủ tịch đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) Khaleda Zia”.
Theo tuyên bố, cuộc họp cũng đã ra quyết định trả tự do cho tất cả những người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình của sinh viên và “quyết định thành lập chính phủ lâm thời ngay lập tức”.
Tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-Uz-Zaman cùng với người đứng đầu lực lượng hải quân và không quân cùng lãnh đạo cấp cao của một số đảng đối lập, trong đó có BNP và đảng Jamaat-e-Islami, đã tham dự cuộc họp.
Bên cạnh đó, quân đội Bangladesh cho biết, từ rạng sáng 6/8, nước này sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, vốn được áp đặt hôm 4/8 để dập tắt các cuộc biểu tình.
Trước tình hình mới ở quốc gia láng giềng, cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp Ủy ban Nội các An ninh (CCS), trong khi đó, hoạt động thương mại giữa Ấn Độ-Bangladesh đã “tạm dừng” vào chiều 5/8.
Đây là những diễn biến mới nhất sau khi bà Hasina, người lãnh đạo Bangladesh trong 15 năm, từ chức ngày 5/8 dưới áp lực của các cuộc biểu tình, nổ ra từ hồi giữa tháng 7 do sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm nhà nước.
Trong những tuần qua, các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangladesh đã bị đàn áp thẳng tay, dẫn đến cái chết của hàng trăm người.
Ít nhất 20 người đã thiệt mạng ở Dhaka hôm 5/8, sau một ngày đẫm máu trên toàn quốc. Vào ngày 4/8, các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình của bà Hasina, lực lượng an ninh và những người ủng hộ đảng cầm quyền đã khiến ít nhất 94 người thiệt mạng trên toàn quốc.
Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày kể từ khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ bắt đầu cách đây 1 tháng ở quốc gia 170 triệu dân này.
Biểu tình bạo lực ở Bangladesh đã khiến hơn 100 người tử vong trong 2 ngày qua. (Nguồn: Tageschou) |
Cộng đồng quốc tế nêu quan điểm
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho hay, Mỹ đang theo dõi sát tình hình ở Bangladesh, đồng thời kêu gọi nước này thành lập chính phủ lâm thời một cách dân chủ và đầy đủ.
Ông Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các bên kiềm chế bạo lực và khôi phục hòa bình nhanh nhất có thể”.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi một quá trình chuyển giao quyền lực “có trật tự và hòa bình” tại quốc gia Nam Á này.
Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell hối thúc bình tĩnh và kiềm chế, nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự và hòa bình cho một chính phủ được bầu cử dân chủ, tôn trọng đầy đủ nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ.
Tại Anh, theo hãng tin AFP, chính phủ nước này đã kêu gọi các cơ quan chuyển tiếp quyền lực ở Bangladesh và nhất trí với “cuộc điều tra do Liên hợp quốc dẫn dắt” về tình trạng bất ổn khiến Thủ tướng Hasina phải từ chức và rời khỏi đất nước.
Ngoại trưởng Anh David Lammy cho rằng, sau “mức độ bạo lực chưa từng có và những mất mát bi thảm về người”, tất cả các bên “bây giờ cần phải cùng nhau chấm dứt bạo lực, bình tĩnh trở lại, hạ nhiệt tình hình”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-bangladesh-tong-thong-phong-thich-doi-thu-cua-ba-hasina-quan-doi-bo-lenh-gioi-nghiem-my-eu-len-tieng-an-do-hop-khan-281477.html