Ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tới thăm Mông Cổ sau khi kết thúc các chương trình tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển G7 tại Nhật Bản.
Trong cuộc họp chung với người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh ưu tiên tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương với Mông Cổ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên thăm Mông Cổ. Ảnh: Le Monde
Người đứng đầu nước Pháp mong muốn chính phủ Mông Cổ ủng hộ cấp giấy phép hoạt động cho tập đoàn năng lượng hạt nhân của Pháp Orano (tiền thân là tập đoàn Areva) thực hiện dự án khai thác uranium quy mô lớn tại sa mạc Gobi của Mông Cổ theo chiến lược đa dạng hoá nguồn cung năng lượng và đảm bảo chủ quyền năng lượng của Pháp.
Ông Macron cũng cam kết sẽ tạo điều kiện về tài chính hỗ trợ Mông Cổ thực hiện nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng sạch khi 90% sản lượng điện của nước này là từ than đá.
“Chúng tôi đã cùng nhau thảo luận lộ trình chuyển đổi năng lượng và phi carbon hoá nền kinh tế Mông Cổ thông qua sự hợp tác về năng lượng tái tạo và hợp tác chính phủ về năng lượng hạt nhân cũng như xây dựng lộ trình tài chính song phương và đa phương để giúp Mông Cổ thực hiện quá trình chuyển đổi”, Tổng thống Macron nói.
Các nguồn tin thân cận của Tổng thống Pháp đánh giá Mông Cổ nắm vị trí địa chính trị quan trọng khi nằm giữa Nga và Trung Quốc và sở hữu trữ lượng lớn khoáng sản như than đá, đồng, vàng và nhất là uranium, phù hợp với chiến lược ưu tiên năng lượng hạt nhân của Pháp.
Ngoài ra, Mông Cổ cũng nằm trong chiến lược tăng cường ảnh hưởng tại Trung Á của Pháp và Liên minh châu Âu. Kể từ xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn chủ trương thúc đẩy đối thoại với các theo đường lối trung lập như Mông Cổ để vận động các nước này lên tiếng phản đối cuộc xung đột.
Về phần mình, Mông Cổ hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron sẽ thúc đẩy chính sách “Láng giềng thứ ba” của mình để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga về thương mại và năng lượng. Hiện 80% hàng hoá của Mông Cổ được xuất sang Trung Quốc, trong đó một nửa là than đá, trong khi một nửa sản lượng điện của Mông Cổ hiện cũng đến từ Nga./.
Mạnh Hà/VOV-Paris