Trong bài phát biểu bên lề Triển lãm phòng không Paris quy tụ các bộ trưởng quốc phòng và đại diện khác của 20 quốc gia châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lập luận của mình về việc các nước châu Âu nên xây dựng chiến lược bảo vệ không phận của riêng họ. Đây cũng là vấn đề gây chia rẽ lâu nay và đang ngày càng trở nên cấp bách do xung đột Nga – Ukraine.
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận nhiều vấn đề quốc phòng, trong đó có các cuộc đàm phán liên quan hệ thống phòng không chống máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo, và vấn đề răn đe hạt nhân.
Ông Macron cảnh báo châu Âu về việc phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí từ bên ngoài châu lục và khuyến nghị không nên mua những gì sẵn có: “Trước hết, chúng ta cần xác định tình hình mối đe dọa là gì. Sau đó, chúng ta cần biết châu Âu có thể sản xuất được gì? Và sau cùng mới là câu hỏi chúng ta cần mua gì?”
Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn thúc đẩy xuất vũ khí, khí tài tại chỗ, xây dựng các hệ thống quân sự độc lập, sắp xếp lại sản xuất quốc phòng ở châu Âu, và tăng cường tiêu chuẩn quốc phòng châu Âu. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng và hiệu quả của các hệ thống phòng không.
“Tại sao chúng ta vẫn phải mua hàng từ Mỹ quá thường xuyên như vậy? Đó là do người Mỹ đã thực hiện việc tiêu chuẩn hóa mạnh mẽ hơn và bản thân người Mỹ cũng có các cơ quan liên bang cung cấp những khoản hỗ trợ lớn hơn cho các nhà sản xuất của họ”, ông nói.
Trong số các quốc gia tham gia cuộc họp có Đức, Anh và Thụy Điển cũng như các nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Đại diện của NATO và Liên minh châu Âu cũng tham dự.
Cuộc họp diễn ra bên lề Triển lãm phòng không Paris – sự kiện lớn nhất thế giới tập trung vào ngành hàng không và vũ trụ khai mạc hôm 19/6.
Trước đó, Pháp đã công khai chỉ trích các kế hoạch do Đức dẫn đầu nhằm cải thiện khả năng phòng không của châu Âu (dự án Lá chắn bầu trời châu Âu) được khởi động vào cuối năm ngoái và sẽ được tích hợp trong các hệ thống phòng không và tên lửa của NATO. Dự án có sự tham gia của 17 quốc gia châu Âu, trong đó có Anh nhưng không có Pháp.
Chính phủ Pháp cho rằng dự án này không bảo vệ đầy đủ chủ quyền của châu Âu bởi nó chủ yếu dựa vào công nghiệp của Mỹ và Israel. Theo đó, kế hoạch do Đức dẫn đầu dự kiến sẽ sử dụng hệ thống Arrow 3 của Israel và phát triển dựa trên năng lực tên lửa Patriot hiện có của Mỹ.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tham dự cuộc họp báo tại Berlin với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Scholz cho biết: “Với Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu, chúng tôi đang tập hợp các quốc gia châu Âu để cùng nhau tăng cường khả năng bảo vệ chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái”.
Thủ tướng Scholz không đề cập đến sự phản đối của Paris đối với sáng kiến này.
Quốc phòng là vốn là vấn đề thường xuyên gây tranh cãi giữa Đức và Pháp. Trong nhiều năm Paris thường chỉ trích Berlin chưa thực hiện đủ nỗ lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Đức tuyên bố tăng mạnh chi tiêu quân sự để viện trợ vũ khí và xe tăng chiến đấu cho Kiev.
Cũng trong cuộc họp tại Paris, ông Macron cho biết, hệ thống chống tên lửa Mamba do Pháp và Italia cùng phát triển hiện đã được triển khai và hoạt động ở Ukraine nhằm bảo vệ lực lượng quân đội và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Mamba cũng là hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của NATO. Việc cung cấp hệ thống này cho Kiev đã được Paris và Rome công bố trước đó vào tháng 2.
Với sự trợ giúp của vũ khí phương Tây và năng lực chiến đấu ngày càng tinh nhuệ, các hệ thống phòng không của Ukraine đã đạt được những bước tiến lớn kể từ đầu cuộc xung đột, bảo toàn lực lượng, cơ sở hạ tầng cũng như ngăn chặn Nga giành được ưu thế trên không.
Phương Thảo(Nguồn: AP)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo