Ngày 29/11, truyền thông Mỹ nhận định, việc Tổng thống Joe Biden vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP 28) ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cho thấy tình thế khó xử của Mỹ trong việc cân bằng giữa nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tham vọng khí hậu của nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP 28) sắp tới tại Dubai. (Nguồn: Reuters) |
Theo New York Times, một mặt, ông Biden đang đối mặt với áp lực từ việc phải tăng khai thác dầu nhằm giảm giá xăng trong nước, nhưng mặt khác, vẫn phải thúc đẩy tham vọng về môi trường trên diễn đàn thế giới. Tại Mỹ, chính sách về năng lượng và khí hậu của chính quyền Biden đang chịu nhiều áp lực chính trị khác nhau.
Lo lắng trước chỉ trích của đảng Cộng hòa về việc Tổng thống Biden theo đuổi chương trình xanh một cách cực đoan, phe trung dung trong đảng Dân chủ muốn Tổng thống thừa nhận việc nước Mỹ đang sản xuất lượng dầu thô kỷ lục trong năm nay.
Trong khi đó, các nhà hoạt động khí hậu, đặc biệt những cử tri trẻ bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử 2020 muốn Tổng thống đóng cửa tất cả những giếng khoan.
Theo Washington Post, quyết định vắng mặt tại COP 28 của ông chủ Nhà Trắng có thể khiến Mỹ đối mặt với chỉ trích mạnh mẽ từ các nước đang phát triển – những nước ít gây ra biến đổi khí hậu nhất nhưng dễ bị tổn thương nhất. Mỹ được xếp vào nhóm những quốc gia phát thải lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Như vậy, đại diện của Mỹ tham dự COP 28 sẽ là ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Biden về biến đổi khí hậu, Cố vấn Khí hậu Quốc gia Ali Zaidi và Cố vấn cấp cao John Podesta.