Ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn nếu số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 người. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Mỹ trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Trung Mỹ vào “xứ cờ hoa” hiện chưa có dấu hiệu suy giảm.
Đây là một biện pháp để kiểm soát tình trạng nhập cư quá tải và quản lý tốt hơn luồng di cư vào nước Mỹ. Giới chức cấp cao chính quyền Mỹ cho hay, sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden, dựa trên Đạo luật Di trú và Quốc tịch – trong đó có điều khoản cấm nhập cảnh Mỹ đối với người nước ngoài vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp, coi như có hiệu lực lập tức vì số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ. Biên giới nước này sẽ được mở cửa trở lại khi số lượng người di cư giảm xuống dưới mốc 1.500 người.
Các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas, Mỹ điều phối những người di cư vượt biên giới từ Mexico và vượt qua hàng rào kẽm concertina (Ảnh: CNBC) |
Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa, số lượng người qua biên giới Mỹ – Mexico mỗi ngày đang lên đến hơn 4.000 người. Họ đề xuất đóng cửa biên giới để kiểm soát tình hình, nhưng việc này gặp nhiều rắc rối pháp lý.
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn một số chi tiết trong sắc lệnh cần được điều chỉnh, hoàn thiện để đảm bảo không vi phạm luật quốc tế, không gây rắc rối cho người di cư hợp pháp hoặc hoạt động thương mại giữa hai quốc gia.
Hành động hành pháp ký sắc lệnh dự kiến dựa vào thẩm quyền của Tổng thống trong Bộ luật Mỹ tại Mục 212 (f), cho phép Tổng thống đơn phương ”đình chỉ nhập cảnh” đối với các nhóm người di cư bất cứ khi nào số lượng vượt biên tăng quá cao.
Nhà Trắng cho biết, sắc lệnh đóng cửa biên giới sẽ không ngăn chặn thương mại, du lịch hoặc nhập cảnh của những người nhập cư hợp pháp để xin tị nạn tại các cảng nhập cảnh. Nhưng nó sẽ ngăn cản người di cư nộp đơn xin tị nạn nếu họ vượt qua biên giới giữa các cảng nhập cảnh trong thời gian chính phủ đóng cửa.
Các nguồn tin cho biết, Bộ An ninh Nội địa cũng dự kiến sẽ thay đổi lại chính sách về Tình trạng được bảo vệ tạm thời (TPS) đối với Haiti. Điều này sẽ cho phép một số công dân Haiti cụ thể có thể ở lại tại Mỹ cho đến khi tình hình ở Haiti được cải thiện.
Kể từ tháng 3, đất nước này phần lớn đã kiểm soát các băng đảng có vũ trang. Do đó, nhiều nhà lập pháp tại Điện Capitol đã khuyến khích chính phủ Tổng thống Joe Biden mở rộng chương trình TPS cho người Haiti và ngừng việc trục xuất họ. Trong những ngày gần đây, Nhà Trắng đã liên hệ với thị trưởng các thành phố biên giới để tham dự lễ ký sắc lệnh hành pháp.
Chính trị liên quan đến biên giới đã trở thành một chủ đề nóng trong nhiều tháng qua. Trong tháng 5 vừa qua, Đảng Dân chủ ở Thượng viện đã nỗ lực thúc đẩy dự luật về an ninh biên giới, một dự luật lưỡng đảng đang gặp phải trở ngại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm biên giới Mỹ – Mexico ở Brownsville, Texas, Mỹ (Ảnh: CNBC) |
Vào tháng 2, các thượng nghị sĩ đã công bố chi tiết về một thỏa thuận lưỡng đảng về luật nhập cư và tị nạn. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc thực thi luật nhập cư và tị nạn một cách nghiêm ngặt hơn và cho phép Tổng thống Joe Biden “đóng cửa biên giới khi tình trạng trở nên quá tải”, ông Joe Biden giải thích trong bài phát biểu hồi tháng 1 kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật.
Nhưng chỉ vài ngày sau, các thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã quyết định hủy bỏ dự luật mà chính họ trước đó đã tham gia đàm phán với Đảng Dân chủ. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do như không đồng thuận trong nội bộ Đảng Cộng hòa đến áp lực từ cơ sở hoặc từ các yếu tố chính trị bên ngoài.
Theo cuộc thăm dò của CNBC, an ninh biên giới là một vấn đề nhạy cảm và có thể là một điểm yếu đối với Tổng thống Biden. Kết quả thăm dò bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 3 cho thấy, cựu Tổng thống Donald Trump có lợi thế 30% điểm với các cử tri đã đăng ký về câu hỏi ứng cử viên nào sẽ giải quyết vấn đề nhập cư và an ninh biên giới tốt hơn (trong đó có 23% điểm trong số các cử tri gốc Latinh).
Nếu đắc cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ phát triển “chiến dịch trục xuất trong nước” lớn nhất tại nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong thời gian cầm quyền, ông Donald Trump đã gây khó khăn cho người lao động sinh ra ở nước ngoài vào Mỹ. Tỷ lệ từ chối cấp thị thực tăng hơn 20% trong cả năm tài chính 2018 và 2019 và số người tị nạn tiếp nhận giảm.
Người di cư vào Mỹ thường được phép xin tị nạn với lý do bị tổn hại hoặc ngược đãi vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc là thành viên của một nhóm xã hội đặc thù. Tuy nhiên, nhiều người phải mất nhiều năm chờ đợi hồ sơ xin tị nạn được xử lý. Những người chỉ trích nói rằng người di cư thường tìm cách qua mặt hệ thống nhập cư để được ở lại Mỹ.
Nguồn: https://congthuong.vn/bau-cu-tong-thong-my-2024-tong-thong-joe-biden-gap-kho-truoc-lan-song-nhap-cu-o-at-vao-my-325293.html