Tại cuộc họp nội các đầu tiên ở thủ đô mới Nusantara vào ngày 12/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Thủ đô Nusantara là một bức tranh vẽ nên tương lai. Không phải quốc gia nào cũng có cơ hội và khả năng xây dựng thủ đô của mình từ con số 0”, đồng thời khẳng định nỗ lực xây dựng trị giá 33 tỷ USD này sẽ rất xứng đáng.
Xuất hiện cùng người kế nhiệm, Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto cam kết chính quyền của ông sẽ tiếp tục xây dựng thành phố mới sau khi nhậm chức vào ngày 20/10.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành dù kế hoạch phác thảo dài hàng chục năm, giống như các thủ đô khác cũng mất rất nhiều thời gian. Chúng ta không nên thúc ép, nhưng tôi lạc quan rằng trong 5 năm, thành phố có thể đi vào hoạt động rất tốt”, ông Subianto nói.
Ông Widodo bắt đầu làm việc tại thành phố cách đây hai tuần ở một văn phòng bên trong cung điện mới đồ sộ đang xây dựng có hình dạng giống như đại bàng Garuda, biểu tượng của đất nước. Thành phố này sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Indonesia đầu tiên trong vòng chưa đầy một tuần nữa.
Ngày 12/8 cũng là ngày tổ chức lễ động thổ xây dựng dinh phó tổng thống và một số tòa nhà do tư nhân tài trợ.
Chính phủ dự kiến trả 20% trong tổng số 33 tỷ USD ngân sách theo kế hoạch, chủ yếu dựa vào đầu tư của tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và các tiện ích công cộng.
Nhằm thu hút đầu tư, đầu tháng này, ông Widodo đã cấp cho các nhà đầu tư những ưu đãi về vốn mới, bao gồm quyền sử dụng đất lên đến 190 năm.
Các quan chức cho biết Nusantara sẽ là thành phố xanh tương lai tập trung xung quanh các khu rừng và công viên, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và quản lý chất thải thông minh, trải rộng trên diện tích khoảng 2.600 km vuông.
“Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một thủ đô xanh về năng lượng, xe điện, môi trường và mọi thứ, với một không khí trong lành, mát mẻ”, ông Widodo nói với các phóng viên.
Tuy nhiên, dự án sử dụng đất được đào từ rừng rậm Borneo này cũng vấp phải chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường và cộng đồng bản địa vì cho rằng nó làm suy thoái môi trường, thu hẹp môi trường sống của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi, đồng thời khiến người bản địa vốn dựa vào đất đai để kiếm sống phải di dời.
Việc xây dựng thành phố mới bắt đầu vào giữa năm 2022, sau khi ông Widodo công bố kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta. Thành phố Jakarta đang phải chịu tình trạng ô nhiễm và tắc nghẽn, dễ xảy ra động đất và đang chìm nhanh chóng do mực nước biển dâng.
Hoài Phương (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tong-thong-indonesia-to-chuc-cuoc-hop-noi-cac-dau-tien-tai-thu-do-moi-post307469.html