Để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hứa sẽ tiếp tục chính sách cắt giảm lãi suất chừng nào ông còn nắm quyền, rồi lạm phát sẽ được kiểm soát, người dân sẽ “thở phào”. Đây là chính sách điều hành được cho là đi ngược với lý thuyết kinh tế thông thường.
Trong cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ, đương kim Tổng thống Erdogan dù không giành đủ 50% phiếu bầu để chiến thắng, nhưng ông vẫn giữ vị trí dẫn đầu. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới là ai thì đều phải gánh vác một “sứ mệnh” vô cùng khó khăn, đó là đưa nền kinh tế này thoát khỏi khủng hoảng và tái thiết đất nước sau thảm họa động đất.
Luận điểm riêng của Tổng thống Erdogan
Tuy nhiên, điều khiến giới quan sát và những người đang dõi theo mỗi bước đi của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trên chính trường, nhằm duy trì quyền lực 20 năm vẫn còn thắc mắc về lời hứa “tiếp tục cắt giảm lãi suất để chống lạm phát vốn đang cao ngất ngưởng” nếu ông tái đắc cử vào ngày 28/5 tới.
“Hãy dõi theo tôi sau cuộc bầu cử và bạn sẽ thấy rằng lạm phát sẽ giảm cùng với lãi suất”, ông khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn của CNN mới đây.
Khi được chất vấn, điều đó có nghĩa là sẽ không có gì thay đổi trong chính sách kinh tế? “Đúng, chắc chắn rồi”, ông Erdogan trả lời.
Trên thực tế, đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá đều đặn trong những năm gần đây, giảm hơn 40% vào năm ngoái khi các chính sách kinh tế của chính phủ đương nhiệm đã thúc đẩy lạm phát tăng vọt và giảm xuống gần mức thấp lịch sử khi thị trường mở cửa vào ngày bầu cử vòng 1 vừa qua.
Trong khi các ngân hàng trung ương trên hầu hết các nền kinh tế lớn tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt để kiểm soát giá cả tăng cao, thì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm điều ngược lại.
“Tôi có luận điểm rằng, lãi suất và lạm phát – chúng có mối tương quan trực tiếp. Lãi suất càng thấp, lạm phát sẽ càng thấp”, ông Erdogan nói.
“Ở đất nước này, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm cùng với lãi suất, rồi mọi người sẽ thở phào… Tôi nói điều này với tư cách là một nhà kinh tế học, không phải điều viển vông”.
Trở lại giai đoạn cuối năm 2021, khi giá cả bắt đầu tăng nhanh trên khắp thế giới, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh cho Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm lãi suất.
Đến tháng 10/2022, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng lên tới 85%, trước khi giảm xuống mức 44% vào tháng Tư năm nay, theo dữ liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận về dự định của ông Erdogan, chuyên gia kinh tế James Reilly tại Capital Economics cho rằng, “Sự thể hiện mạnh mẽ bất ngờ của đương kim Tổng thống trong cuộc bầu cử vòng 1, đồng nghĩa với khả năng một chính sách kinh tế theo đúng quy luật bình thường ít có khả năng quay trở lại. Do đó, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ sẽ còn chịu áp lực nghiêm trọng trong năm nay”.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, tới đây, một chiến thắng rất có thể sẽ đến với ông Erdogan, tức là sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp và lạm phát cao trong nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cơn khủng hoảng tài chính chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, với việc đồng nội tệ Lira liên tục mất giá, hiện ở mức khoảng 55% so với đồng USD. Xung đột giữa Nga – Ukraine cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đẩy giá năng lượng lên mức cao mới.
Giá cả tăng chóng mặt đang gây tổn hại cho người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ và toàn bộ nền kinh tế, khi nước này đang phải vật lộn để phục hồi sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thảm họa đã giết chết ít nhất 45.000 người, khiến hàng triệu người mất nhà cửa và gây ra thiệt hại ngay ước tính khoảng 34 tỷ USD – tương đương khoảng 4% sản lượng kinh tế hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Số liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa cho thấy, dự trữ ngoại hối ròng của nước này đã lần đầu tiên rơi xuống mức âm kể từ năm 2002.
Cụ thể, dự trữ ngoại hối ròng của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBT) ghi nhận mức -151,3 triệu USD vào ngày 19/5. Các chuyên gia cho rằng điều này có liên quan đến những nỗ lực gây tranh cãi gần đây của chính phủ trong việc cố gắng giữ đồng nội tệ Lira ổn định bằng cách thực thi các chính sách phi chính thống và cố gắng duy trì lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát leo thang. Điều này đã mang lại không ít rủi ro cho nền kinh tế thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Giáo sư kinh tế Selva Demiralp tại Đại học Koc ở Istanbul nhận xét, CBT đã cố gắng bù đắp những tác động bất lợi của môi trường lãi suất thấp đối với tỷ giá hối đoái bằng cách bán ra ngoại tệ. Tính đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đã cạn kiệt và sau khi điều chỉnh với các thỏa thuận hoán đổi, dự trữ ngoại hồi ròng đã xuống mức âm.
Cũng theo bà Demiralp, đối với một nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai mỗi tháng khoảng 8 tỷ USD, việc dự trữ ngoại hối ròng rơi xuống mức âm là rất báo động, vì nó có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại, cắt đứt chuỗi cung ứng và làm đình trệ sản xuất không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn của cả các đối tác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay.
GDP bình quân đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là 15.000 USD
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần kiềm chế lạm phát, bảo vệ sự ổn định tài chính và đưa nền kinh tế vào con đường tăng trưởng bền vững bất kể kết quả bầu cử ra sao”, theo các nhà phân tích tại JPMorgan.
Các chuyên gia cũng không quên lưu ý rằng, triển vọng của đất nước này sẽ phụ thuộc vào mức độ mà nó quay trở lại quy luật bình thường. “Nếu các chính sách được chuyển sang chính thống hơn, quá trình giảm phát sẽ nhanh hơn”.
Trong khi đó, ông Erdogan tỏ ra hoàn toàn tin tưởng với thông điệp lạc quan của mình. Ông nói rằng: “Chúng tôi đã vượt qua những thách thức trong quá khứ. Chúng tôi hiện đang mạnh mẽ như Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thậm chí khá chắc chắn về kết quả điều hành kinh tế, ông Erdogan dẫn chứng thành công trong 20 năm cầm quyền đã đưa GDP bình quân đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ – thước đo sự thịnh vượng của quốc gia, đã tăng từ khoảng 3.600 USD lên 10.650 USD như hiện nay. “Và con số chắc chắn sẽ đạt được trong vài tháng tới là 15.000 USD” Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định.
GDP bình quân đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 3.641 USD vào năm 2002, một năm trước khi ông Erdogan trở thành Thủ tướng và đạt 9.661 USD vào năm 2021, theo dữ liệu của WB.
Trong khi đó, giới phân tích tỏ ra lo ngại khi khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu tệ hơn sau khi ông Erdogan đứng đầu cuộc thăm dò. Các nhà phân tích lo ngại, chiến thắng của ông Erdogan có thể dẫn đến bất ổn hơn nữa với lạm phát cao và đồng Lira đã trượt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng Euro và USD khi mất gần 80% giá trị trong 5 năm qua.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan – nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ kéo dài thời gian cầm quyền của mình sang thập kỷ thứ ba – cho đến năm 2028 – nếu ông giành được nhiều phiếu bầu hơn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 28/5.
Gần tới những ngày quyết định, ông Erdogan lại nhận thêm tin vui khi giành thêm sự ủng hộ của ông Sinan Ogan – người đứng vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử vòng 1. Nếu có được 5,2% phiếu từ ông Sinan, đương kim Tổng thống Erdogan sẽ giành chiến thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử và tiếp tục nắm quyền.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023 xuống còn 2,7% nhưng nâng dự báo cho năm sau lên 3,6%.