Từ những ký ức Ottoman
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra vào ngày 28/5 để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Với 99,43% số phiếu đã được kiểm, kết quả chính thức do Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) công bố hôm Chủ nhật vừa rồi cho thấy ông Erdogan giành chiến thắng với 52,14% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông, thủ lĩnh phe đối lập Kemal Kilicdaroglu nhận được 47,86%.
Như vậy, ông Erdogan sẽ ngồi ở vị trí lãnh đạo quốc gia thêm 5 năm nữa, trở thành nguyên thủ tại vị lâu năm nhất của Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại. Trong phát biểu trước một biển người ủng hộ đang reo hò trong khuôn viên Dinh Tổng thống ở Ankara sau khi giành chiến thắng vào tối Chủ nhật, ông Erdogan nhắc lại rằng hôm thứ Hai (30/5) sẽ đánh dấu kỷ niệm cuộc chinh phục Constantinople vào năm 1453, qua đó vẽ một đường xuyên suốt từ quá khứ đến những dấu ấn hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường thế giới.
“Ngày mai chúng ta sẽ đánh dấu cuộc chinh phục Istanbul một lần nữa. Người chỉ huy đẹp làm sao và những người lính của anh ấy đẹp làm sao, như người ta vẫn nói. Tôi coi tất cả các bạn là con trai và con gái của những bậc tiên tổ đó”, chính trị gia 69 tuổi phát biểu. “Những cuộc bầu cử này sẽ được ghi nhận như một bước ngoặt trong lịch sử”.
Lịch sử dường như đè nặng lên tâm trí của Erdogan. Đây không phải lần đầu ông Erdogan nhắc đến chủ đề vinh quang Đế chế Ottoman. Ông đã nói đến ký ức ấy của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay. Là một trong những nhà lãnh đạo Hồi giáo nổi tiếng nhất, ông Erdogan đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối trọng cạnh tranh với Ả Rập Xê Út và Iran để giành ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Tổng thống Erdogan cũng mở rộng ảnh hưởng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp Trung Đông và Trung Á, thúc đẩy đất nước này xây dựng ngành công nghiệp vũ khí ấn tượng đồng thời đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, trong các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine và các cuộc chiến ở Syria, Iraq và Libya.
Giờ đây, khi ông bắt đầu thập kỷ cầm quyền thứ ba của mình, thế giới sẽ phải đối mặt với một chính khách linh hoạt đến mức không thể đoán trước – người sau khi sống sót sau một âm mưu đảo chính và nhiều cuộc khủng hoảng trong nước, song vẫn thể hiện sự xuất sắc trong việc mặc cả nhượng bộ từ các đồng minh cũng như đối thủ khi xoay trục.
“Ông ấy sẽ tiếp tục là người theo chủ nghĩa trao đổi”. Soner Cagaptay, tác giả của nhiều cuốn sách về Erdogan và là giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định.
Những thách thức từ kinh tế
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng việc củng cố tầm nhìn của ông Erdogan về Thổ Nhĩ Kỳ như một cường quốc sẽ rất khó khăn. Chính những vấn đề đã khiến đối thủ của ông giành được sự ủng hộ không nhỏ – đồng tiền sụt giá và một trong những tỷ lệ lạm phát cao – đã hạn chế khả năng hành động của Tổng thống Erdogan và vẫn có dấu hiệu trở nên tồi tệ hơn.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 0,4% vào thứ Hai, giao dịch gần mức thấp kỷ lục với tỷ giá 20,16 lira đổi 1 USD. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường bảo vệ đồng lira trước nguy cơ mất giá, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ vốn đã hạn chế của nước này. Theo báo Wall Street Journal, chi phí bảo hiểm cho trường hợp vỡ nợ đối với trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gần 25%.
Muốn đạt được tham vọng toàn cầu, ông Erdogan phải giải quyết những rắc rối tài chính của đất nước. Tài sản nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ đã chìm trong sắc đỏ sau nhiều năm nước này chi hàng chục tỷ USD để chống đỡ đồng lira. Đồng nội tệ đã mất gần 80% giá trị so với USD trong 5 năm qua khi ông Erdogan gây áp lực buộc ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát cao – điều ngược lại với những gì các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới làm.
Nhu cầu về ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ông Erdogan phụ thuộc sâu hơn vào Nga và các nước Vùng Vịnh. Moscow đã gửi cho Thổ Nhĩ Kỳ 15 tỷ USD vào năm ngoái để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân và hoãn các khoản thanh toán của Ankara cho khí đốt tự nhiên có thể lên tới hàng tỷ USD, qua đó cung cấp cứu trợ cần thiết cho tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở Trung Đông, chính phủ Tổng thống Erdogan gần đây đã khôi phục quan hệ với một loạt đối thủ lâu năm trong nỗ lực chấm dứt nhiều năm căng thẳng do ông ủng hộ nhiều cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Bằng cách hàn gắn quan hệ với Ả Rập Xê Út, UAE, Ai Cập và Israel, ông Erdogan hy vọng sẽ giảm bớt phần nào sự cô lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và giảm bớt phần nào tình trạng thiếu ngoại tệ của đất nước.
Nhưng các nhà kinh tế cho biết dòng tiền từ Nga và Vùng Vịnh sẽ không đủ để cứu trợ nền kinh tế với trị giá khoảng 900 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ. “Tổng thống Erdogan vẫn không có giải pháp hợp lý cho những vấn đề này. Ông ấy không có một chương trình rõ ràng để đối phó với nó và sẽ gặp rắc rối sau cuộc bầu cử”, Ilhan Uzgel – nhà phân tích và là cựu trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Ankara, cho biết.
Những bài toán về đối ngoại
Về mặt đối ngoại, thách thức hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Erdogan sẽ là giải quyết bế tắc trong quan hệ với các đồng minh phương Tây liên quan đến việc ông sẵn sàng làm ăn với Nga và bảo vệ những gì ông coi là lợi ích lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan đôi khi đã khiến các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu thất vọng vì tăng cường quan hệ kinh tế với Moscow, đồng thời bán máy bay không người lái và các vũ khí quan trọng khác cho cả Ukraine lẫn Nga và cấm tàu chiến các nước không liên quan tiến vào Biển Đen.
Các thủ đô phương Tây cũng lo ngại ông Erdogan đang gieo rắc sự chia rẽ trong NATO, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên từ những năm 1950. Ông Erdogan hiện đang ngăn Thụy Điển gia nhập NATO vì không hài lòng trước việc các chiến binh người Kurd bị cáo buộc đang lưu vong ở quốc gia Bắc Âu này. Ông đã đưa ra điều kiện tiên quyết cho việc gia nhập của Stockholm là phải dẫn độ các cá nhân bị Ankara truy nã về Thổ Nhĩ Kỳ.
Đề tài này đã nổi lên như trung tâm của một mạng lưới rối rắm các vấn đề gây căng thẳng giữa Ankara với Washington cũng như các cường quốc phương Tây khác. Chính quyền Tổng thống Joe Biden từng đặt điều kiện trong thương vụ bán phi đội F-16 trị giá 20 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông Erdogan phải đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi đó, các thành viên hàng đầu khác của NATO dự kiến sẽ gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mở rộng liên minh trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng Bảy.
“Chúng tôi đang bế tắc. Cần phải có một cuộc đối thoại để bắt đầu quan hệ với Liên minh châu Âu cũng như Mỹ”, Gulru Gezer, cựu viên chức ngoại giao cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ từng phục vụ ở cả Nga và Mỹ trong nhiệm kỳ trước của ông Erdogan, cho biết.
Nhưng đối với những người ủng hộ lâu năm của ông Erdogan, niềm tự hào về vị trí được sắp xếp lại của Thổ Nhĩ Kỳ trên bản đồ quyền lực thế giới vượt xa mọi lo ngại về tài chính hay các thách thức đối ngoại.
Refika Yardimci, một cử tri bỏ phiếu ở Istanbul hôm Chủ nhật, phát biểu: “Chúng tôi thấy những gì Tổng thống Erdogan đã làm cho đất nước, những cây cầu, con đường, ngành công nghiệp quốc phòng. Trước đây, đất nước chúng tôi ở trong hố sâu. Nhưng với lập trường quyết đoán của mình, ông ấy đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên”.
Nguyên Khánh