Các nhà thương lượng từ tổ chức dân quân Palestine này cùng với Qatar và Ai Cập đang có mặt tại Cairo để thỏa thuận ký kết một lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày trước khi bắt đầu tháng Ramadan, một sự kiện sẽ bắt đầu trong tuần tới.
Thỏa thuận được đề xuất này sẽ yêu cầu trả tự do cho một số con tin bị Hamas bắt giữ trong tháng 10 năm 2023, và đồng thời cho hàng cứu trợ vào Gaza nhằm giải quyết nguy cơ nạn đói có thể sẽ xảy ra tại các bệnh viện đang điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Hamas cũng sẽ phải cung cấp danh sách toàn bộ con tin còn bị bắt giữ tại Gaza.
Tuy nhiên, tại Beirut, quan chức Hamas ông Osama Hamdan đã nhắc lại yêu cầu chính của tổ chức này: kết thúc chiến dịch của Israel, rút quân Israel và đưa toàn bộ người Gaza về quê nhà nơi họ bị buộc phải sơ tán.
Ông khẳng định không thỏa thuận trao đổi con tin nào có thể được thực hiện trước khi đề ra lệnh ngừng bắn. Điều này thể hiện quan điểm của Hamas, lệnh ngừng bắn trên hết cần phải là một bước tiến tới kết thúc cuộc xung đột hoàn toàn.
Về phần mình, Israel chỉ muốn tạm ngừng chiến để đưa con tin ra khỏi Gaza và cho phép đưa hàng cứu trợ vào, nhấn mạnh sẽ không kết thúc cuộc chiến cho tới khi Hamas “bị tiêu diệt”.
Phát ngôn viên chính phủ Israel Avi Hyman trong một cuộc họp báo đã khẳng định, Hamas cần phải “ngừng ảo tưởng và đàm phán một cách thực tế”.
“Hamas hiểu rõ áp lực quân sự và chúng tôi đang đặt áp lực này lên họ”.
Washington, chính quyền hỗ trợ chính về mặt quân sự, chính trị của Israel và là nhà tài trợ cho các phiên đàm phán, cũng đã quy trách nhiệm cho tổ chức điều hành Gaza.
Trước các phóng viên, ông Biden phát biểu: “Thỏa thuận này đang nằm trong tay Hamas. Israel đã hợp tác. Đã có một lời đề nghị phù hợp được đưa ra”.
“Nếu như chúng ta tiến tới tình thế chiến sự kéo dài xuyên tháng Ramadan… tình hình sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm”.
Tại Israel và các khu vực lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, tình trạng bạo lực giữa người Palestine và người Israel thường tăng vọt trong tháng Ramadan, cũng như thái độ thù địch nhằm vào Israel từ các nước Hồi giáo và Ả Rập. Đây là yếu tố lớn hối thúc các lãnh đạo đề ra một lệnh ngừng bắn trước khi tháng này bắt đầu.
Hamas cho biết đã đề xuất dự thảo của mình
Hamas khẳng định luận điểm của Washington được dựng nên nhằm giúp Israel tránh bị quy trách nhiệm trong trường hợp đàm phán sụp đổ.
Quan chức cấp cao của Hamas Bassem Naim khẳng định, Hamas đã đề xuất một thỏa thuận mang tính dự thảo của riêng mình và đang chờ phản hồi từ Israel: “Ông Netanyahu không muốn đi tới thỏa thuận và giờ đây trái bóng đang ở bên phía sân của Mỹ”.
Một nguồn tin chia sẻ Reuters, Israel đã không tham gia đàm phán do Hamas từ chối cung cấp danh sách những con tin còn sống sót. Ông Naim khẳng định, yêu cầu này là bất khả thi nếu không có một lệnh ngừng bắn vì các con tin bị bắt giữ rải rác trên toàn khu vực chiến sự và bị bắt giữ bởi các nhóm khác nhau.
Mỹ cũng đã hối thúc Israel cần phải làm tốt hơn để giải quyết thảm họa nhân đạo tại Gaza, nơi hơn 30.000 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch của Israel, nhằm đáp trả vụ tấn công khiến 1.200 người thiệt mạng của Hamas trong tháng 10.
Ông Biden khẳng định: “Chúng ta cần phải đưa thêm hàng cứu trợ tới Gaza”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, điều này cũng đồng nghĩa rằng “cần phải đảm bảo hàng cứu trợ được đưa tới tay người cần… và tình hình hiện tại là không thể chấp nhận được”.
Trong tình thế hàng cứu trợ vốn đã ở mức giảm mạnh so với trước khi cuộc chiến nổ ra đang dần cạn kiệt, nạn đói đang bắt đầu bao trùm lên Gaza. Phần lớn khu nội phận này đã bị cắt đứt khỏi dòng hàng lương thực. Những bệnh viện hiếm hoi còn hoạt động tại Gaza vốn đã bị quá tải vì lượng người bị thương giờ đang đầy trẻ em dần chết đói.
Những đứa trẻ hốc hác tại các phòng khám tại Gaza
Ahmed Cannan, một bé trai với bọng mắt thâm và khuôn mặt hốc hác, nằm trên giường phòng khám Al-Awda tại Rafah, quấn áo vàng. Bé đã sút một nửa số cân kể từ khi cuộc chiến nổ ra và giờ chỉ còn nặng 6kg.
Israa Kalakh, cô của cậu bé cho biết: “Tình hình của cháu ngày càng tồi tệ. Cầu chúa hay bảo vệ chúng con khỏi những ngày sắp tới”.
Y tá Diaa Al-Shaer cho biết, những đứa trẻ hốc hác này đang tới phòng khám với con số chưa từng có: “Chúng tôi sẽ phải đối phó với lượng lớn bệnh nhân gặp phải tình cảnh suy dinh dưỡng tương tự”.
Tình hình còn tồi tệ hơn tại miền Bắc Gaza, nơi nằm ngoài khả năng phục vụ của các cơ quan cứu trợ hay các nhóm phóng viên. Cơ quan y tế Gaza cho biết, tại một bệnh viện đã có tới 15 trẻ thiệt mạng do suy dinh dưỡng hoặc thiếu nước.
Quân đội Mỹ đã phối hợp với Jordan, thả dù 36.000 suất ăn xuống miền Bắc Gaza trong ngày thứ Ba, một chương trình mà Washington đã đề ra trong tuần trước. Các cơ quan cứu trợ cho biết, đây là con số vô cùng ít ỏi so với số lượng cần để đối phó với nạn đói.
Trong một bài đăng trên X/Twitter, Tổng thống Biden viết: “Mỹ cam kết sẽ làm mọi cách để đưa thêm hàng cứu trợ tới những người cần tại Gaza. Chúng tôi sẽ không đứng nhìn. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.
Israel cho biết, đang chuẩn bị cho phép đưa thêm hàng cứu trợ qua hai chốt kiểm soát trên biên giới phía Nam Gaza mà quốc gia này đã cho phép hoạt động, và quy trách nhiệm cho LHQ cũng như các cơ quan cứu trợ khác vì đã không phân phát hàng cứu trợ rộng rãi hơn.
Các cơ quan khẳng định, yêu cầu này là bất khả thi vì lý do sụp đổ nền quản trị dân sự và chế độ luật pháp. Israel, quốc gia đang đưa quân tới tấn công và tuần tra các thị trấn tại Gaza, cần có trách nhiệm cung cấp an ninh cho hoạt động phân phát lương thực.
Adele Khodr, Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của UNICEF cho biết: “Đối với những người cha mẹ và bác sĩ nhận ra rằng hàng cứu trợ chỉ cách vài km đang bị giữ ngoài tầm với của họ, cảm giác vô vọng và bất lực có lẽ đang tới mức không thể chịu đựng nổi”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)