Tổng mức đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả giảm 7.250 tỷ đồng
Tổng mức đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) sau điều chỉnh còn 18.903,89 tỷ đồng bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng.
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả là mô hình kiểu mẫu của công trình hạ tầng giao thông thực hiện theo hình thức PPP. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định số 397/QĐ – BGTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, có 3 hạng mục đầu tư bổ sung vào Dự án trong quá trình thực hiện gồm hạng mục xây dựng cầu Suối Dừa (Km1370+402, Quốc lộ 1); hạng mục xây dựng hầm đèo Cù Mông; hạng mục mở rộng hầm đường bộ Hải Vân (bao gồm hạng mục vận hành hầm Hải Vân qua đèo).
Bộ GTVT quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xuống còn 18.903,89 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 593,44 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị: 13.254,16 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tư vấn, chi phí khác: 1.988,12 tỷ đồng; chi phí vận hành hầm Hải Vân qua đèo giai đoạn 2016-2017 và 2018 – 2020: 455,72 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng (tạm tính): 2.612,45 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 0 tỷ đồng.
So với Quyết định số 3107/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh giảm 7.250 tỷ đồng, trong đó đáng kể nhất là chi phí thiết bị và xây dựng giảm 2.049,78 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng giảm 1.209 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 3.052 tỷ đồng…
Tổng mức đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ được xác định chính xác khi quyết toán công trình.
Với thay đổi nói trên đã dẫn tới thay đổi trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện Dự án. Cụ thể, theo Quyết định số 397, nguồn vốn BOT thực hiện Dự án là 14.127,27 tỷ đồng.
Nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ Dự án là 4.776,62 tỷ đồng, bao gồm vốn Ngân sách nhà nước 90 tỷ đồng: sử dụng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với hạng mục hầm Đèo Cả; vốn trái phiếu Chính phủ 3.506,62 tỷ đồng sử dụng thanh toán phần BT hầm Cổ Mã, đường dẫn, kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư; vốn Ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 1.180 tỷ đồng sử dụng để hỗ trợ xây dựng hạng mục hầm Đèo Cả là 1.065,29 tỷ đồng, hỗ trợ tổ chức bồi thườn giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án 114,71 tỷ đồng.
Các nội dung khác giữ nguyên theo các quyết định trước đó của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 85 triển khai các công việc tiếp theo tuân thủ quy định pháp luật; tiếp tục rà soát hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng, thực hiện công tác thanh quyết toán và các nội dung liên quan theo quy định; chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát nguồn vốn thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch vốn, hoàn tất các thủ tục về vốn cho dự án theo quy định; bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án đúng mục đích, đối tượng, quy định của pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội và hiệu quả đầu tư dự án.
Ban quản lý dự án 85 cũng có trách nhiệm thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng; quản lý hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán vốn, các chi phí đầu tư dự án, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng quy định pháp luật.
Được biết, Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt ban đầu tại Quyết định số 47/QĐBGTVT ngày 6/1/2012, trong quá trình triển khai đã bổ sung một số hạng mục vào Dự án theo quy định và điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án.
Tính đến cuối tháng 12/2020, toàn bộ các hạng mục thuộc Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả đã được hoàn thành, trong đó hạng mục hầm Đèo Cả, Cổ Mã và đường dẫn hoàn thành vào 8/2017; hạng mục hầm Cù Mông hoàn thành vào tháng 3/2019; hạng mục hầm Hải Vân hoàn thành tháng 12/2020.
Công trình đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả đầu tư, giảm thiểu đáng kể nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, trong quá trình bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến tại văn bản số 5373/BKHĐT-PTHTĐT ngày 10/7/2023 báo cáo Thủ tướng có nêu “Trong quá trình thực hiện, Dự án có nhiều thay đổi về quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và hình thức đầu tư. Các hạng mục bổ sung đều được phê duyệt tại các quyết định riêng lẻ không tính trong tổng thể dự án ban đầu, đến nay chưa có quyết định phê duyệt Dự án tổng thể, làm cơ sở giao kế hoạch vốn hàng năm theo đúng quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công. Việc giao vốn kế hoạch hàng năm thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT”.
Ngày 20/9/2023, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến tại Thông báo số 386/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục, bảo đảm việc sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ Dự án đúng quy định và hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, thất thoát, tiêu cực.