Sau hai lần lập đỉnh vào năm 2003 (158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ) và năm 2022 (205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ) với tư cách chủ nhà, kỳ đại hội lần thứ 32 chứng kiến sự vượt ngưỡng bất ngờ khi đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) về đích với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ.
Bơi Việt Nam góp phần vào những chiến tích đáng kể của thể thao Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG
16 kỷ lục SEA Games được lập bởi các VĐV Việt Nam
Trong tổng số 16 kỷ lục mới do VN thiết lập tại SEA Games 32, môn lặn đóng góp đến 10 kỷ lục, kế đến là cử tạ với bốn kỷ lục và hai kỷ lục bơi mới thuộc về cá nhân kình ngư Phạm Thanh Bảo.
Nếu như các kỳ SEA Games trước TTVN thường “lấy nữ làm chủ công” thì tại SEA Games 32 này, cánh mày râu đã có thể nở mày nở mặt khi tỉ lệ 63/60 HCV (nam/nữ) đã thuộc sở hữu của các nam VĐV.
Trong tổng số 136 HCV của đoàn TTVN, các môn thi thuộc hệ thống Olympic (khoảng 20 môn) đoạt được 61 HCV, tức chiếm chưa đến 45%. Tương tự, thông số này so với đoàn Thái Lan là 56 HCV/108 HCV nhưng các VĐV Thái Lan chiếm đến hơn 60% số huy chương thuộc các môn thi Olympic.
VĐV chạy nhiều cự ly và đoạt nhiều HCV nhất
Không ai khác, chính là VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh, đoạt 4 HCV các nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m và 10.000 m nữ.
Cùng với Nguyễn Thị Huyền, chuyên gia cự ly chạy 400 m, đoạt được tổng cộng 13 HCV cá nhân và tiếp sức trong các kỳ SEA Games, cô gái người Bắc Giang Nguyễn Thị Oanh cũng trở thành VĐV điền kinh VN đoạt nhiều HCV nhất tại các kỳ SEA Games với 12 chiếc và đều là HCV cá nhân.
Cũng vì phải ôm quá nhiều nội dung thi đấu nên thành tích của Oanh tại SEA Games 32 đều không được tốt. Cụ thể, ở cự ly sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ, Oanh hiện là đương kim HCĐ Asiad 2018 với thông số 9’43”83 nhưng tại Campuchia, thành tích của cô chỉ đạt 10’34”37, do phải dự tranh hai nội dung xuất phát cách nhau chỉ 20 phút.
Trong tổng số 136 HCV của đoàn TTVN, các môn thi thuộc hệ thống Olympic (khoảng 20 môn) đoạt được 61 HCV, tức chiếm chưa đến 45%.
Kình ngư đoạt 2 HCV và hai lần phá kỷ lục
Phạm Thanh Bảo trở thành cái tên VĐV nam của VN được nhắc đến nhiều nhất sau Nguyễn Thị Oanh. Không chỉ xuất sắc đoạt hai chức vô địch, kình ngư 21 tuổi người Bến Tre có biệt danh “Hoàng tử ếch” Phạm Thanh Bảo còn tham gia phá hai kỷ lục các cự ly bơi 100 m và 200 m ếch nam.
Tại môn bơi SEA Games 32, giải đấu được FINA (Hiệp hội Các môn thể thao dưới nước Thế giới) công nhận dùng chuẩn Olympic, Thanh Bảo lần lượt đạt thành tích 1’00”97 (100 m ếch) và 2’11”45 (200 m ếch). Thế nhưng để có mặt tại Olympic Paris 2024, Thanh Bảo còn phải cải thiện thông số 100 m ếch bơi dưới 54 giây, cự ly 200 m ếch bơi dưới 1’58”.
VĐV phá nhiều kỷ lục SEA Games nhất
Lực sĩ sinh năm 2002 Nguyễn Quốc Toàn bất ngờ trở thành VĐV VN đạt thành tích chói sáng, sau khi đoạt HCV và phá ba kỷ lục đại hội ở môn cử tạ.
Vốn trưởng thành và từng giành HCĐ SEA Games 31 hạng 81 kg nam, Quốc Toàn bất ngờ chuyển lên đấu hạng -89 kg và giành thành công ngoài mong đợi tại Campuchia. Với thành tích 155 kg cử giật, 190 kg cử đẩy (đạt tổng cử 345 kg), lực sĩ gốc Bạc Liêu Quốc Toàn xuất sắc thiết lập ba kỷ lục SEA Games mới hạng -89 kg nam.•
Bế mạc SEA Games 32 – Campuchia, hẹn SEA Games 33 – Thái Lan
Sau những ngày tranh tài tại Campuchia, tối 17-5, lễ bế mạc SEA Games 32 đã được nước chủ nhà tổ chức trang trọng, khép lại một SEA Games rất ấn tượng.
Thủ tướng Hun Sen trong đêm bế mạc SEA Games đã gửi lời cảm ơn đến các quốc gia Đông Nam Á đã hỗ trợ chủ nhà Campuchia về mọi mặt và nhiệt tình cử các đoàn thể thao tham dự SEA Games 32. Ông nhấn mạnh Campuchia đã đăng cai tổ chức thành công tốt đẹp SEA Games 32, không quá chú trọng vào kết quả mỗi cuộc tranh tài mà quan tâm đến sự bày tỏ lòng hiếu khách và niềm vui của thành viên các đoàn thể thao tham dự. Thủ tướng Hun Sen khẳng định những giá trị ở SEA Games là tài sản quý cho các thế hệ tương lai của Campuchia.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã rất nỗ lực trong công tác tổ chức để đại hội diễn ra suôn sẻ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao với tư cách là nước chủ nhà, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, hữu nghị và trung thực theo đúng phương châm “Thể thao không chỉ là giành huy chương”.
Tạm biệt SEA Games 32 – Campuchia và hẹn gặp lại ở SEA Games 33 – Thái Lan vào hai năm tới.
Như Quỳnh
Nguồn PLO