SGGP
Chiều 9-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 40 năm đổi mới đất nước là nhiệm vụ quan trọng nhằm nhận thức sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới đất nước. Qua đó, góp phần tiếp tục làm sáng tỏ, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; chuẩn bị cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN 40 năm qua ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn phải trên cơ sở quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, quá trình tổng kết phải đảm bảo nguyên tắc kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa tổng kết kinh nghiệm Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm biện chứng, khoa học, khách quan, dân chủ; phát huy trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu; nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về tư duy, nhận thức nếu có, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện…
Về phạm vi tổng kết, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị tập trung đi sâu nghiên cứu, đánh giá các vấn đề lớn, coi trọng cập nhật những vấn đề mới, nhất là sau đại dịch Covid-19 thế giới đánh giá có nhiều thay đổi lớn; chỉ rõ những phát triển mới về tư duy lý luận. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế phải có chọn lọc, chú ý các quốc gia có cùng thể chế, quốc gia có điểm xuất phát và điều kiện phát triển tương đồng, quốc gia dẫn đầu về xu hướng phát triển KH-CN, kinh tế.