Chia sẻ với báo chí dịp đầu năm mới, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định, năm 2023 thi hành án xong về số việc, số tiền và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
“Đó là phần thưởng dành cho những nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, áp lực của Chấp hành viên, công chức, người lao động trong toàn hệ thống thi hành án dân sự”, ông Thái nhận định.
Dù vậy, theo ông, vẫn còn đó quá nhiều khó khăn, thách thức phía trước: Tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, nhiều chủng loại, nằm rải rác ở nhiều địa phương, thậm chí ở nước ngoài. Trong khi nguồn lực, công chức hiện tại của các cơ quan thi hành án dân sự còn thiếu so với khối lượng công việc đang đặt ra của án kinh tế, tham nhũng.
“Chỉ tính riêng những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo mà các cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành, đã có đến hơn 3.000 tài sản phải xử lý, trong đó hơn 1.000 tài sản là quyền sử dụng đất”, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự dẫn chứng.
Kết quả thi hành án năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế – tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
Năm 2024, khối lượng công việc thi hành án sẽ tăng đột biến khi một loạt các đại án tiếp tục được đưa ra xét xử và tổ chức thi hành án: Trong vụ Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra kê biên một lượng bất động sản lớn, ước tính lên đến hàng ngàn tỷ và nhiều triệu cổ phần, cổ phiếu và các tài sản bị thu giữ khác; vụ Tân Hoàng Minh, vụ án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, vụ Tập đoàn FLC,… đều đã kê biên rất nhiều tài sản, quyền sử dụng đất của các cá nhân liên quan.
Nói thêm về khó khăn, ông Thái cho rằng tình trạng pháp lý của tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định. Do đó, đến giai đoạn thi hành án đã phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải giải quyết.
Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái khẳng định, toàn hệ thống thi hành án sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời rà soát, bổ sung, điều động nguồn lực là các Chấp hành viên, Thẩm tra viên có năng lực, trình độ đến những địa bàn trọng điểm để thi hành án.
Tổng cục sẽ chú trọng tăng cường kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm sát, bảo đảm việc thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sai phạm.
“Nếu sai phạm, thiếu sót thì phải phát hiện sớm, khắc phục ngay từ đầu và không làm phát sinh các điểm nóng, các vụ việc phức tạp”, ông Thái nói rõ quan điểm.
“Điều đáng tiếc”
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái, vẫn còn một bộ phận công chức do hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, cá biệt có trường hợp thoái hóa biến chất, đã vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến bị xem xét trách nhiệm hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.
“Đây là điều đáng tiếc. Bộ, ngành tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm và rất kiên quyết trong xử lý sai phạm. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn ngừa, răn đe và xử lý các sai phạm trong hoạt động tố tụng nói chung và trong thi hành án dân sự nói riêng”, ông Thái cho hay.
Ông nhấn mạnh, Quy định số 132-QĐ/TW đã tạo cơ chế giám sát, phòng ngừa tiêu cực, vi phạm, tham nhũng của cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, người dân đối với các cơ quan thi hành án dân sự; căn cứ xử lý những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, đảm bảo việc xử lý cán bộ không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Theo Dân trí