Mới đây, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bất ngờ bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế đã mở ra cuộc tranh luận về vai trò của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế. Cá biệt, có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp nợ thuế rất thấp, chỉ vài trăm đến vài triệu đồng cũng bị cấm xuất cảnh.
Một số ý kiến cho rằng, với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế thì việc áp dụng biện pháp mạnh là cần thiết. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bức xúc khi lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh khi chỉ nợ thuế ít.
Liên quan tới vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định rằng, trong luật không có quy định thế nào là khoản nợ thuế nhỏ hay lớn.
Quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người còn nợ thuế đã có từ nhiều năm trước. Gần đây nhất, Luật Quản lý thuế năm 2020 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực từ tháng 7/2020) cũng có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế.
Ông Minh cho hay, theo pháp luật hiện hành, người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể nợ thuế nhỏ hay lớn.
Ngoài ra, cũng theo các quy định, để phải áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, nghĩa là người nộp thuế (gồm cả cá nhân, doanh nghiệp) đã thuộc đối tượng bị cưỡng chế thuế. Đối với những pháp nhân đang bị cưỡng chế thuế, khi pháp nhân vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người đại diện pháp nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Bình luận về những ý kiến cho rằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có vẻ quá “nặng tay” với lãnh đạo doanh nghiệp bởi nhiều vị giám đốc chỉ là người làm thuê, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, những ý kiến này đã được ghi nhận trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế.
“Luật đã quy định rồi. Một cá nhân có trách nhiệm đại diện, điều hành pháp nhân, thì khi pháp nhân nợ thuế, cá nhân đấy phải chịu tạm hoãn xuất cảnh đến khi pháp nhân hoàn thành nghĩa vụ thuế”, ông Minh nói.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp thu nợ thuế, cũng chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp thực sự mạnh nhất. Biện pháp cơ quan thuế đang áp dụng nhiều nhất là dừng sử dụng hóa đơn. Biện pháp này mạnh hơn nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp, hệ thống lớn khi bị dừng sử dụng hóa đơn thì có tác động ngay. Đó là công cụ của nhà nước trang bị cho ngành thuế để bảo vệ lợi ích của ngân sách.
Nguồn: https://www.congluan.vn/tong-cuc-thue-bat-ke-no-thue-lon-hay-nho-deu-bi-tam-hoan-xuat-canh-post314209.html