Dệt may lại “nóng” với quy định xuất nhập khẩu tại chỗ Xuất nhập khẩu hàng hóa: Điểm sáng bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm |
Theo phản ánh của Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam, đơn vị này đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét chưa nên đề xuất bãi bỏ mục C khoản 1 Điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Cụ thể, tại mục C khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam”.
Theo Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP có thể gây nên khó khăn mới cho doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Hải quan, cần thiết phải rà soát và sửa đổi, bổ sung quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. |
Trao đổi về vấn đề hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, Tổng cục Hải quan cho biết, loại hàng hóa này được quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ được quy định tại điều 86 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát, hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan khẳng định, đơn vị này không nhận được phản ánh của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam về việc đề nghị xem xét chưa nên đề xuất bãi bỏ mục C khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan khẳng định, kiến nghị của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam nêu trên không có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện. Vấn đề này, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
“Hiện tại, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ vẫn thực hiện bình thường theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư số 39/2018/TT-BTC dẫn trên”, Tổng cục Hải quan cho biết.
Nói về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan cho hay, đơn vị này đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước cũng như các chuẩn mực tại Công ước Kyoto thì không có quy định hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ như quy định của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, thực tế, hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ hiện nay không có sự dịch chuyển qua biên giới nên không đúng bản chất là xuất nhập khẩu. Do vậy, cần thiết phải rà soát, đánh giá và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.
Trước ý kiến phản ánh của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam khi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP có thể gây nên khó khăn mới cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan phản hồi và cho biết Bộ Tài chính cũng đã có phân tích, đánh giá cụ thể các mặt ưu điểm, nhược điểm và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật và theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Nguồn: https://congthuong.vn/tong-cuc-hai-quan-phan-hoi-truoc-de-xuat-bai-bo-quy-dinh-ve-hang-hoa-xuat-nhap-khau-tai-cho-322683.html