Đánh giá uy tín nhà thầu để tăng tính cạnh tranh
Trả lời Báo Lao Động ngày 22.1, ông Phạm Việt Hà – Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng Cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2023, các cục dự trữ nhà nước tiếp tục thực hiện đánh giá uy tín nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia.
Theo đó trong E-HSMT, điểm uy tín được chia thành 3 mức gồm: Nhà thầu (độc lập hoặc liên danh) không bị vi phạm về uy tín: Được đánh giá ở mức 50 điểm.
Nhà thầu (độc lập hoặc liên danh) đã ký hợp đồng cung cấp gạo với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nhưng không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng để các đơn vị từ chối nhập hàng: được đánh giá ở mức 20 điểm.
Nhà thầu (độc lập hoặc liên danh) đã được các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phê duyệt trúng thầu gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng: được đánh giá ở mức 0 điểm nhưng không bị loại.
“Như vậy, việc đánh giá uy tín nhà thầu không phải là “loại nhà thầu” mà để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu (nhà thầu có uy tín cao hơn thì sẽ được chấm điểm cao hơn và ngược lại), tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia và các cục DTNN khu vực sẽ lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tốt nhất, đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và HSMT (đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu kỹ thuật và giá dự thầu).
Các nhà thầu bỏ chạy từng nhiều lần bị xử phạt
Như Lao Động đã phản ánh, năm 2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình phạt 3 nhà thầu từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp gạo. 3 nhà thầu này cũng bị các cục dự trữ khác xử phạt.
Trước đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình (trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài chính) tiến hành tổ chức đấu thầu 6 gói thầu thuộc dự án mua 7.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2023.
Sau khi trúng các gói thầu này, 3 nhà thầu đã ký hợp đồng nhưng sau đó không thực hiện và bị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình xử phạt.
Ở gói thầu số 1, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Khải Minh (Công ty Khải Minh), địa chỉ HH4 – Khu đô thị Nam An Khánh, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội bị phạt hành chính số tiền 581,175 triệu đồng. Đây chính là số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng cung cấp 900 tấn gạo dự trữ quốc gia 2023.
Ở gói thầu số 2, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương (Công ty Đông Phương), địa chỉ tại nhà bà Bùi Thị Quy, Thôn Kìm, xã Vũ Lạc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, bị phạt hành chính số tiền 655 triệu đồng là tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng cung cấp 1.000 tấn gạo dự trữ quốc gia 2023.
Ở gói thầu số 4, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Vạn Lợi (Công ty Vạn Lợi), địa chỉ thôn Bào Cừu, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đại diện là ông: Phan Doãn Tiến, chức vụ Giám đốc, bị phạt hành chính số tiền 1,179 tỉ đồng là tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng cung cấp 1.800 tấn gạo dự trữ quốc gia 2023.
Mở rộng tìm hiểu, phóng viên ghi nhận, trong năm 2023, 3 nhà thầu này không chỉ bị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình xử phạt mà còn bị các cục dự trữ khác xử phạt.
Đối với Công ty Khải Minh có tới 4 quyết định xử phạt trong năm 2023.
Gần đây nhất ngày 25.12.2023, Cục Dự trữ khu vực Hà Nội ra thông báo xử phạt công ty này với số tiền gần 600 triệu đồng. Lý do là công ty này từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp 800 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2023.
Ngày 18.10.2023, Công ty Khải Minh cũng bị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh thông báo vi phạm uy tín nhà thầu. Theo đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh thông báo đơn vị này đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện hợp đồng.
Ngày 4.10.2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc cũng đã đăng tải thông tin, Công ty Khải Minh phá hợp đồng mua 940 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia Chi cục Dự trữ Nhà nước Lạng Giang.
Còn nhà thầu Công ty Đông Phương cũng có 3 quyết định xử phạt. Ngày 2.10.2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội thông báo Công ty Đông Phương và Công ty Vạn Lợi cùng vi phạm do từ chối cung cấp 2.200 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2023. Trong đó Công ty Phương Đông là 1.000 tấn, Công ty Vạn Lợi là 1.200 tấn. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội phạt Công ty Phương Đông 665 triệu, Công ty Vạn Lợi 786 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Đông Phương bị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc xử phạt ngày 10.10.2023 với hành vi tương tự.