Hôm nay, trong ngày đầu tiên lễ Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cùng tưởng nhớ về một nhân cách lớn.
Nhân cách ấy được khắc họa thêm từ những chi tiết về Tổng bí thư mà ông Trần Đình Đàn, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2007 – 2011, chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.
“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tâm lớn, có đức lớn, có trí lớn và có chí lớn khi đảm đương những công việc trong cuộc đời” – ông Đàn nói.
Dân chủ, tôn trọng mọi người
Trong nhiệm kỳ của chúng tôi có một số vấn đề quan trọng của đất nước đã được Quốc hội quyết định chủ trương như dự án thủy điện Sơn La, mở rộng thủ đô Hà Nội, khai thác bô xít ở Tây Nguyên, điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, xây hội trường Ba Đình mới…
Dự án thủy điện Sơn La được nhất trí cao nhưng chủ trương mở rộng địa giới Hà Nội, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận… có ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe, tôn trọng ý kiến của mọi người, của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đưa ra bàn bạc dân chủ trước Quốc hội.
Trong công việc, ông không bao giờ áp đặt hay gợi ý phải làm thế này, thế kia mà thuyết phục để mọi người hiểu, thống nhất mà thực hiện nhiệm vụ tự giác, thoải mái. Ông là lãnh đạo cao cấp nhưng rất dân chủ, tôn trọng ý kiến mọi người.
Tôi may mắn được làm bí thư Đảng bộ của Văn phòng Quốc hội với gần 1.000 đảng viên, có 18 người là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là bí thư Đảng đoàn của Quốc hội nên dự đại hội Đảng bộ đều phát biểu.
Vậy mà ông không để tôi lâm vào cảnh người đứng đầu Quốc hội phát biểu rồi thì bí thư Đảng bộ “co vòi” không dám nói gì nữa. Ông truyền cảm hứng giúp tôi và đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Từ chối mua nhà ở với giá ưu đãi
Khi UBND TP Hà Nội có chủ trương chuẩn bị nhà ở cho những người làm việc ở Quốc hội, giá đất được bán theo quy định của UBND TP, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dặn tôi: Xin được đất là khó rồi nhưng phân chia đúng đối tượng, diện tích càng khó hơn, phải tạo sự công bằng, đoàn kết, không để thắc mắc khiếu kiện gì.
Anh em nghĩ đến những người có công lao, thời gian làm việc dài như ông cần được đưa vào danh sách. Nhưng khi lập xong danh sách, ông bảo tôi đưa ông ra khỏi danh sách.
“Sau này nghỉ hưu, theo quy định được phân nhà ở chỗ nào thì anh ở chỗ đó thôi” – ông nói. Tôi hỏi chị Ngô Thị Mận (vợ ông) việc này, chị bảo: “Anh đã nói không là không. Chị cũng không tham gia đâu”.
Cũng như chồng, chị Mận sống rất giản dị, chân thành. Theo quy định, trong một số trường hợp Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư đi công tác nước ngoài thì phu nhân đi cùng nhưng bà chỉ đi một chuyến đến Úc rồi thôi.
Trong chuyến đi bà bảo tôi: “Chị đi nước ngoài các chú lại phải phân công người phục vụ. Mua quà cho cháu mọi người lại tranh trả tiền. Chú phải nói họ là đồ đã mua chị trả lại hết. Lần sau chị không đi nước ngoài nữa đâu”.
Sau đó, tôi dẫn bà đi để tự mua vài món quà nhỏ cho các cháu.
Làm cho nghị trường chuyên nghiệp hơn
Cải cách lớn nhất là tăng cường đối thoại không chỉ ở Quốc hội mà ở cả các ủy ban của Quốc hội. Khi trả lời chất vấn đều phải có kết luận. Cái đó rất quan trọng và được duy trì đến bây giờ. Tiếp đến, chất vấn phải chọn chủ đề, nội dung mà người dân đang quan tâm, yêu cầu. Qua đó, chỉ ra những vấn đề để các bộ và Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh.
Ông giao cho chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội chủ động phối hợp với các ủy ban lựa chọn người giúp việc cho các ủy ban với yêu cầu đội ngũ này phải là những cán bộ chuyên nghiệp với hoạt động nghị viện.
Trước đây, mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội được bố trí hai người ở một phòng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói dù hết sức tiết kiệm nhưng với đại biểu Quốc hội về họp phải tạo cho họ không gian riêng để vừa ở, vừa có thể làm việc, giúp họ tập trung đóng góp, cống hiến.
Ông cũng gợi ý Thường vụ Quốc hội bàn việc cấp máy vi tính cho các đại biểu Quốc hội, giúp đại biểu dù ở đâu cũng tiếp cận đầy đủ, nhanh chóng. Những việc này tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sát của ông.
Một chiếc xe đi đến cuối đời
Chiếc xe Toyota cũ ông dùng vốn được nguyên chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sử dụng. Tôi và nhiều người từng đề nghị mua xe mới nhưng ông không đồng ý vì thấy xe còn sử dụng được và ông sử dụng xe này cho đến những ngày cuối đời.
Đi công tác các tỉnh, bao giờ ông cũng đi xe chung với mọi người, nghe kể chuyện tiếu lâm cười vang cả xe. Trước khi đi công tác ở địa phương, ông đều bảo tôi tìm nơi khó khăn nhất để đến thăm.
Ông bảo: “Quốc hội không có vật chất để giúp thì về mình báo cáo với Chính phủ xem xét. Chứ đến để người ta vỗ tay rồi mình về thì không giải quyết được gì cả”.
Suốt một nhiệm kỳ tôi làm việc, chưa bao giờ ông nói tôi giúp người này người kia. Có trường hợp tự nói là người nhà bác Trọng nên tôi hỏi chị Mận. Chị bảo: “Anh đã làm ở đó thì chú phải xử lý cho đúng để anh yên tâm làm việc”.
Khi còn làm việc, vài tuần vợ chồng tôi đến nhà riêng của ông chơi một lần. Khi về quê hoặc họ hàng trong Hà Tĩnh (quê hương và là nơi làm việc trước đó của ông Đàn – PV) gửi trứng, cá ngon thì chúng tôi mang đến biếu. Chị Mận nhận nhưng bao giờ chị cũng tặng lại quà gì đó như rau, trứng gà, trái cây ở quê nhà Đông Anh gửi sang.
Ứng xử giản dị với đám cưới con trai
Trước khi tổ chức đám cưới con trai của ông, tôi có gợi ý khách mời nhưng ông nói: “Mọi người đều bận công việc cả, mời người này thì mất lòng người kia. Mời các chủ nhiệm ủy ban là cấp bộ trưởng thì các bộ trưởng có mời không, các ủy viên Bộ Chính trị có mời không? Chú là thủ trưởng cơ quan hành chính của Quốc hội nên đại diện được cho tất cả mọi người”.
Dù hình dung trước nhưng đến đám cưới tôi thấy ngạc nhiên khi hôn lễ được tổ chức tại sân mấy chục mét vuông của ngôi nhà ở phố Thiền Quang, không có loa nhạc gì. Chỉ có khoảng 30 người bên nhà gái và một số người ở nhà trai cùng vài người bạn thân của gia đình tham dự.
Sau phần nghi lễ, trong thời gian khá dài chờ đến giờ ăn tiệc đặt tại một phòng nhỏ ở Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, ông hỏi tôi có cách gì tạo không khí vui vẻ lên không. Thế rồi tôi trở thành MC kiêm ca sĩ khi vừa hát vừa giới thiệu các bạn trẻ hát các bài về Hà Nội, Nghệ Tĩnh… Không khí đầy vui vẻ, thân tình, nhà gái, nhà trai đều phấn khởi.
Sau đám cưới, ông nhờ tôi gửi thiệp báo hỉ cho một số người. Tôi hỏi giờ gửi báo hỉ người ta đi mừng thì sao? Ông bảo tục lễ ngoài Bắc đã cưới rồi thì không đi mừng nữa. Sau đó, có một số người gọi điện xin gặp để chúc mừng thì ông nói: “Cứ bảo là anh và chú đều bận nên nhận lời chúc là đầy đủ rồi”. Ông giản dị, trong sáng là vậy.
Khi tôi có thông báo nghỉ hưu, việc đầu tiên ông dặn “Chú được thông báo nghỉ rồi thì chú nên là người đầu tiên trả nhà công vụ. Chú có trả thì anh em khác mới trả”.
Sau khi trả nhà, tôi mua nhà mới, ông đến thăm ngay và chuyện trò thân tình như người nhà với cả gia đình tôi.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-mot-nhan-cach-lon-20240724230635986.htm