PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ xúc động nói: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ngọn lửa ấm áp, rực đỏ, là ngôi sao sáng chói, sáng mãi, không bao giờ tắt!”.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm cao văn hóa trong cả lý luận và thực tiễn, thể hiện giản dị mà sâu sắc trong mỗi suy nghĩ, việc làm.
Trong đời sống hàng ngày của bản thân và gia đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu tấm gương học hỏi, rèn luyện, thực hành, đi trước, làm trước và luôn làm đúng.
“Khi đã đến đây, xin được để mọi chức tước ở bên ngoài”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đồng môn lớp trước của ông tại Khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Có câu chuyện ấn tượng nào về Tổng Bí thư thời còn sinh viên mà ông nhớ mãi?
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tại khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp, trước tôi 14 khóa. Từ những năm tháng còn là sinh viên, tôi vẫn thường được nghe những đồng môn lớp trước kể về một người đàn anh tài giỏi, giản dị, thân thiện và rất đáng ngưỡng mộ. Ông là người rất yêu thơ văn, đặc biệt là thơ ca dân gian.
Trong bài “Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: “Chuẩn bị kết thúc năm học lớp 10 (tức lớp 12 ngày nay), nhà trường yêu cầu ghi nguyện vọng sau này làm gì và xin thi vào trường đại học nào. Tôi đã không ngần ngại ghi nguyện vọng được nghiên cứu văn học dân gian hoặc làm phóng viên báo chí và nộp đơn xin thi vào khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.
“Tôi đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, rồi Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu…, những hồn thơ thấm đẫm chất dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà năm học cuối khóa tôi đã chọn đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình…”.
“Với sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của Giáo sư Đinh Gia Khánh, tôi đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với điểm số tối ưu tuyệt đối duy nhất của khóa đó”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết đến là người lãnh đạo cần – kiệm – liêm – chính, sống giản dị. Ông cảm nhận điều này ở Tổng Bí thư qua những sự việc, tình huống cụ thể nào?
– Những năm đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm ở Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội hay khi lên giữ chức vụ Tổng Bí thư, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, làm việc chung.
Tôi thường gọi ông là anh, là Thủ trưởng, là Tổng Bí thư. Ông là người dễ tiếp xúc, gần gũi, không bao giờ có khoảng cách với người khác, luôn tạo cho mọi người một cảm giác thân thiện, ấm áp.
Khi làm Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, tôi nhớ có lần người của Văn phòng Trung ương Đảng và thư ký của Tổng Bí thư đến gặp và truyền đạt mong muốn của Tổng Bí thư.
Ông muốn mượn một căn phòng nhỏ của đài tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các bạn đồng môn, thầy cô khoa Văn khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là hoạt động mà Tổng Bí thư và các bạn đồng môn duy trì nhiều năm để gặp gỡ các bạn cùng lớp và tri ân các thầy giáo.
Tổng Bí thư có truyền đạt rằng, đây là sự việc mang tính chất riêng tư không muốn tổ chức ở Văn phòng Trung ương Đảng. Tổng Bí thư cũng nhắn nhủ buổi gặp gỡ tổ chức vào chủ nhật, nơi gặp gỡ không cần phải phông bạt chữ nghĩa mà chỉ cần có không gian ấm cúng để bạn bè, thầy trò cùng hàn huyên.
Sau buổi gặp mặt, mọi người ở lại ăn cơm cùng nhau nhưng Tổng Bí thư ra về trước. Trước khi ra về, ông cũng đóng quỹ lớp như các đồng môn để duy trì hoạt động thăm hỏi, chúc mừng hay chia sẻ khi gia đình có việc với các thành viên trong lớp.
Các bạn học của Tổng Bí thư kể rằng, Tổng Bí thư thường đến dự họp bằng xe máy lúc còn trẻ, sau này thì nhờ bảo vệ chở bằng xe máy. Mấy năm gần đây, sức khoẻ giảm sút và cũng theo quy định bảo vệ, Tổng Bí thư thường đến bằng ô tô, nhưng để xe ở ngoài xa, đi bộ vào.
Dù đã giữ những cương vị rất cao nhưng Tổng Bí thư luôn tham dự gần như đều đặn các buổi họp, ông nói chân thành: “Khi đã đến đây, xin được để mọi chức tước ở bên ngoài căn phòng này”.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự cuộc gặp thân mật các bạn đồng môn lớp Ngữ Văn 8 tổ chức tại căn phòng nhỏ ở Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2018 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một lần khác, trong một hội nghị, Tổng Bí thư lại truyền đi những thông điệp sâu sắc khi nhắc đến việc trồng cây.
Tổng Bí thư cho rằng, nhiều người, nhiều nơi triển khai các hoạt động trồng cây nhưng không đúng với tinh thần Bác Hồ chỉ dạy mà biến trồng cây thành việc quá long trọng, mang tính nghi lễ, trượt xa những mục đích tốt đẹp.
Theo Tổng Bí thư, việc trồng cây là tốt, giúp làm xanh, làm đẹp không gian sống, chống xói mòn, bảo vệ đất đai, cuộc sống của người dân. Nhưng nhiều người lại lợi dụng việc trồng cây để “ghi danh” như trồng cây ở đền, chùa, khu di tích rồi gắn biển tên vào đó thì có cần thiết không?
Có những nơi trồng cây to hàng chục năm tuổi, theo Tổng Bí thư là không nên. Tốt nhất nên trồng cây nhỏ để có sự chăm sóc cho cây lớn lên chứ không phải trồng xong để đó.
Tổng Bí thư cho rằng, khi trồng cây dùng những cái xẻng, cuốc có cuốn giấy màu xanh đỏ chẳng khác nào biểu diễn, hình thức, không đúng với tinh thần lao động. Tôi nghĩ những căn dặn như vậy hết sức mộc mạc, thấm thía.
Vị lãnh đạo có hệ thống lý luận sâu sắc, thực hành văn hóa gương mẫu
Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Ông đánh giá ra sao về cách nhìn nhận về văn hóa của Tổng Bí thư?
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo, rất xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Khi nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng và Nhà nước, ngoài chỉ đạo những vấn đề chính trị, xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, mở rộng đối ngoại hợp tác quốc tế, Tổng Bí thư còn đặc biệt quan tâm tới văn hóa dân tộc.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Quá trình chuẩn bị hội nghị, Tổng Bí thư luôn theo dõi, quan tâm nhắc nhở để hội nghị đạt chất lượng, đặt mục tiêu qua hội nghị nâng cao được nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về vai trò của văn hóa, ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Dành sự quan tâm lớn tới văn hóa, lại xuất thân là một người yêu văn chương, tại các hội nghị, hội thảo, Tổng Bí thư luôn đưa ra những chỉ đạo thiết thực, gần gũi khi viện dẫn những câu thơ của các bậc tiền nhân…. khiến người nghe cảm thấy vô cùng thấm thía! Ông có suy nghĩ gì về cách tiếp cận văn hóa của Tổng Bí thư?
– Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã có một bài phát biểu rất sâu sắc. Trong quá trình chia sẻ, Tổng Bí thư dừng lại rất nhiều lần để đọc thơ.
Ông đọc một đoạn khá dài trong bài Việt Bắc của Tố Hữu: “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng/ Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng…” hay “Ta với mình, mình với ta/ Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh/ Mình đi mình lại nhớ mình/ Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”. Khi đọc những dòng thơ này, Tổng Bí thư rất xúc động, thậm chí rưng rưng nước mắt.
Tổng Bí thư chia sẻ, những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt, người dân cưu mang, bảo vệ chúng ta và cùng chúng ta xây dựng sự nghiệp như hôm nay.
Nhưng khi hòa bình rồi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và sung túc rồi thì ở đâu đó, ai đó lại quên đi những năm tháng gian khổ, quên đi ân nghĩa của những người đã cưu mang mình, che chở mình.
Những chia sẻ, phát biểu như giãi bày tâm sự đó cho thấy tầm văn hóa rất cao của Tổng Bí thư: Vừa lý luận, vừa thực tiễn, vừa tư duy nhưng vừa hành động và dễ đi vào lòng người.
Tổng Bí thư vừa là người có hệ thống lý luận văn hóa rất sâu sắc, vừa thực hành văn hóa một cách gương mẫu, rất tự giác mà rất bình dị chứ không có khuếch trương gì cả.
“Chúng ta cần một xã hội mà sự phát triển thực sự vì con người”
Câu nói nào, chỉ đạo nào về văn hóa trong các hội thảo, hội nghị của Tổng Bí thư mà ông cảm thấy ấn tượng nhất?
– Tiếp nối thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Sau khi đánh giá tổng quát về tình hình thế giới và trong nước, đề cập đến vấn đề văn hóa và con người, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng viết những điều mà khi đọc tôi nghĩ ai làm văn hóa cũng thấy tâm đắc: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người.
Chúng ta cần phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn nhân ái, một xã hội đoàn kết, tương trợ lẫn nhau hướng tới các giá trị nhân văn chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm…
Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có…
Và phải chăng những mong muốn tốt đẹp đó là chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội cũng chính là mục tiêu con đường chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và kiên trì, kiên định đi theo”.
Khi nói đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội Việt Nam”.
Theo PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Bí thư là người có tầm cao văn hóa trong cả lý luận và thực tiễn (Ảnh: Tiến Tuấn).
Theo Tổng Bí thư, nền văn hóa chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa thống nhất trong đa dạng trên các giá trị tiến bộ nhân văn, kế thừa phát huy các giá trị tốt đẹp của các dân tộc đồng thời tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của văn hóa nhân loại.
Để phấn đấu xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người. Trong phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa thì con người luôn luôn giữ vị trí trung tâm. Phát triển, xây dựng văn hóa con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới.
Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh “văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; con người giữ vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển.
Có thể thấy rằng, Tổng Bí thư là người có tầm cao văn hóa trong cả lý luận và thực tiễn, thể hiện giản dị mà sâu sắc trong mỗi suy nghĩ, việc làm.
Trong đời sống hằng ngày của bản thân và gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí cũng luôn nêu tấm gương học hỏi, rèn luyện, thực hành, đi trước, làm trước và luôn làm đúng qua các câu chuyện đời thường mà một vài trong số đó tôi đã chia sẻ ở trên.
Nhiều bạn bè của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng có chung nhận xét: “Anh Nguyễn Phú Trọng cùng vợ và các con đều sống cuộc sống giản dị, chan hòa, chân thành với mọi người”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gói bánh chưng tại nhà riêng, Tết Nguyên đán 2019 (Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư).
– Vừa là “đàn em khóa dưới”, vừa có thời gian tiếp xúc với Tổng Bí thư ở phương diện công việc, ông thấy hình ảnh Tổng Bí thư trên cương vị người lãnh đạo đứng đầu cả nước và hình ảnh Tổng Bí thư ngoài đời có điểm gì giống và khác biệt?
– Thật ra hai con người ấy là một. Ở Tổng Bí thư, con người của công việc cũng phản ánh con người của cá nhân, của gia đình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng là Người Cộng sản chân chính, Người học trò xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo xuất sắc, gương mẫu lớp trước của Đảng ta, Nhân dân ta..
Ông là ngọn lửa ấm áp, rực đỏ, là ngôi sao sáng chói, sáng mãi, không bao giờ tắt! Cuộc đời và sự nghiệp của ông trọn vẹn như câu nói: “Ta có thể tự hào rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân” trong tác phẩm kinh điển của nhà văn Nga Ostrovsky “Thép đã tôi thế đấy”.
Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ cùng Dân trí!
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-cung-vo-va-cac-con-deu-song-mot-cuoc-song-gian-di-chan-hoa-20240724170048890.htm