Trong suốt cả gần ba nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn nhấn mạnh quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS LÊ QUỐC LÝ – nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – cho rằng quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh suốt cả gần ba nhiệm kỳ.
Ông Lê Quốc Lý cho biết:
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có đóng góp nổi bật, đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước. Đồng thời, là tấm gương sáng về sự giản dị, gần gũi, đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Nhưng, một trong những dấu ấn sâu đậm nhất, sẽ được hậu thế nhắc lại và khâm phục chính là việc tiếp nối, phát huy cao độ sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
* Thực tế cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đúng như Tổng Bí thư đã từng nói “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” và dưới cũng đã nóng dần lên?
– Đúng như vậy. Trước đây những người có vết, thậm chí tham nhũng lớn nhưng vẫn có thể trốn, nấp ở chỗ này, chỗ kia. Nhưng khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư trong thời gian qua thì dù có thể chưa được 100% nhưng về số đông những người nào có vết sẽ không thể ẩn nấp, che đậy được.
Thêm vào đó bên cạnh Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì tại các địa phương cũng thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đây là một bước tiến lớn dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, trưởng ban. Việc cho ra đời ban chỉ đạo cấp tỉnh chính là bước nối dài của Ban Chỉ đạo trung ương và đẩy mạnh hơn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại các địa phương. Tất cả từ trung ương đến địa phương đều phải chuyển động và không có ai có thể yên tâm kê gối ngủ nếu làm sai, tham nhũng.
* Như ông đã nói, cùng với pháp trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn dùng cả đức trị để phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho mỗi người cán bộ, đảng viên hiện nay cần học tập, noi theo. Trong nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư đã luôn nhắc đến “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của mỗi con người, nhất là người cán bộ, đảng viên cộng sản chân chính.
Hay tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Việc này để tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê / Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Cấp trên ở chẳng chính ngôi / Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”…
Ngoài ra đã có rất nhiều các quy định liên quan đến việc nêu gương, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới được ban hành. Gần đây nhất quy định 144 (năm 2024) của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
Điều này cho thấy Tổng Bí thư luôn đòi hỏi cao và kỳ vọng xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là những người có đạo đức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân và luôn coi trọng danh dự.
* Với những giá trị to lớn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, Đảng, Nhà nước cần tiếp nối thực hiện một cách mạnh mẽ và hiệu quả công cuộc phòng chống tham nhũng thế nào, thưa ông?
– Với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì cần không ngừng nghỉ vì đây không phải là công việc đơn giản dễ dàng, mà như người xưa thường nói đấu tranh chống giặc trong ta là khó nhất.
Chống làm tốt rồi, tuy nhiên sắp tới vấn đề phòng phải được đẩy mạnh hơn nữa vì đây mới chính là điều tiên quyết nhất trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phòng cần thể hiện ở chỗ sàng lọc thật kỹ, phải loại bỏ ngay từ đầu những người có dấu hiệu tham nhũng. Nhất là tới đây ở Đại hội XIV phải chọn lọc, đưa vào những người tinh hoa nhất, đại diện cho lợi ích quốc gia, dân tộc, cho người dân.
* Ông VŨ TRỌNG KIM (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Xu thế không thể đảo ngược
Di sản vô cùng quan trọng của Tổng Bí thư chính là đã đưa phòng chống tham nhũng, tiêu cực trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.
Đây là một yêu cầu tất yếu của lịch sử và được nhân dân ủng hộ. Không ai có thể làm ngược, ngăn cản được xu thế đó. Đồng thời tinh thần, quan điểm xuyên suốt của Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù là ai, giữ bất cứ cương vị nào của Đảng, Nhà nước đã và chắc chắn sẽ tiếp tục được thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì.
Một điểm cũng cần nêu rõ, Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh phải giữ được môi trường để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, không vì chống tham nhũng, tiêu cực gây ảnh hưởng tới các việc khác, kể cả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, cuộc sống của người dân. Đúng theo tinh thần đó, qua những việc được xử lý thời gian qua cho thấy càng ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Thời gian tới để tiếp tục kế tục tốt nhất sự nghiệp này của Tổng Bí thư, cần xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm bịt kín các kẽ hở, lỗ hổng. Phải hoàn thiện thể chế để “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng.
Bên cạnh đó cần tiếp tục nâng cao giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để cùng với tự soi, tự sửa thì phải tự nguyện rút lui khỏi vị trí khi không còn xứng đáng. Điều này cần phải làm sao để trở thành “thường trực” trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chong-tham-nhung-bang-trai-tim-vi-nuoc-vi-dan-20240729074115483.htm