Sáng 21.10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu trước Quốc hội.
Thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho hay, Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII vừa qua đã thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng; thống nhất nhận thức và hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, tại Hội nghị T.Ư 10, T.Ư thống nhất đánh giá, những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua đã củng cố thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước qua 40 năm đổi mới, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới để chúng ta có thể tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới.
Trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng. Trong thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Tuy vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thẳng thắn nêu rõ, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
“Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu.
Việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
“Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để tác động, hướng lái, thậm chí chống phá, xác định đây là con đường “ngắn nhất”, “nhanh nhất” để chuyển hóa chính trị của Việt Nam.
Các loại tội phạm, các nhóm lợi ích cũng tìm mọi cách tác động nhằm trục lợi, nếu không thật sự sáng suốt, bản lĩnh, vì sự nghiệp chung, thể chế không phù hợp có thể gây ra những khúc quanh đối với phát triển của đất nước.
Tháo gỡ nhanh nhất “điểm nghẽn” do quy định pháp luật
Trước những vấn đề trên, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo Nghị quyết 27 năm 2022 của T.Ư Đảng khóa XIII về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài.
“Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, cần đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Theo đó, cần bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ.
Đồng thời, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Một vấn đề khác được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh là thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo đó, cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác gây lãng phí.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.